Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thế hệ trẻ người Mông nói không với hủ tục, tích cực xây dựng với nếp sống văn hóa mới trong tang lễ

Quỳnh Trâm - 11:45, 16/10/2024

Thực hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về “Triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” (sau đây gọi là Kế hoạch số 60), sau hơn 3 năm, với các hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đã tiếp tục góp phần đẩy lùi các hủ tục trong nếp sống tang lễ của đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện có hiệu quả chương trình, chính sách trong vùng đồng bào Mông

Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 3.758 hộ, với hơn 20.046 khẩu; trong đó hộ nghèo dân tộc Mông có khoảng 3.024 hộ (chiếm 80,5%). Đồng bào sinh sống tập trung chủ yếu ở 44 bản, thuộc 10 xã trên địa bàn 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Toàn vùng có 43/44 bản là thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Việc xóa bỏ những hủ tục, phát huy những giá trị văn hóa mới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa dân tộc Mông và các dân tộc anh em khác
Việc xóa bỏ những hủ tục, phát huy những giá trị văn hóa mới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa dân tộc Mông và các dân tộc anh em khác

Trong thực hiện tang lễ, trước năm 2013, đồng bào Mông vẫn duy trì những phong tục như bắn súng thông báo có người chết, không đưa người chết vào quan tài và để nhiều ngày trong nhà, giết nhiều trâu, bò làm cỗ trong đám tang...

Xác định, đây là những hủ tục và cũng là một trong những nguyên nhân khiến đời sống bà con quẩn quanh trong đói nghèo và lạc hậu. Từ năm 2013 đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020”. Đề án đã mang lại những kết quả tích cực, giúp từng bước xóa bỏ các phong tục cũ và khuyến khích bà con thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ trong tang lễ.

Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đạt được, ngày 19/3/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền về nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, trong thời gian từ năm 2021-2023, cùng với kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn vùng đồng bào Mông, Ban Dân tộc đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền cho 994 đại biểu là cán bộ, công chức xã và người dân tại các bản Mông. Báo cáo viên tuyên truyền là người dân tộc Mông và những người am hiểu văn hóa, phong tục đồng bào Mông trực tiếp truyền đạt bằng tiếng Mông nên đồng bào dễ hiểu, nghe và làm theo. Riêng trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tổ chức 3 hội nghị ở các huyện, với tổng số 384 đại biểu tham gia.

Đối với 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn - nơi có đồng bào Mông sinh sống, Ban Dân tộc đã tích cực, chủ động thực hiện phối hợp, lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, với tổng số 120 hội nghị/8.059 người tham gia.

Bên cạnh đó, các sở, ngành và các huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tiếp cận các dịch vụ văn hóa - xã hội với nhiều hình thức đến với cán bộ và Nhân dân vùng đồng bào Mông.

Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng, chống ma túy trong thanh niên huyện Mường Lát
Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng, chống ma túy trong thanh niên huyện Mường Lát

Cùng với đó, bằng nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, thủy lợi...) ở vùng đồng bào Mông, giữ vững an ninh trật tự khu vực và biên giới.

Thay đổi nhận thức thế hệ trẻ người Mông

Thông qua các hoạt động tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa tang lễ, đã góp phần làm thay đổi về nhận thức, hành động của đồng bào Mông, nhất là đối với các bạn trẻ.

Là một người con sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát, anh Sùng A Pó hiểu rất rõ những tập tục văn hóa của người Mông. Từ nhỏ, anh đã chứng kiến và cũng đã từng tham gia những đám tang được tổ chức theo phong tục cũ: người chết được đưa vào cáng treo lên vách nhà; gia chủ tổ chức đám tang mấy ngày, giết nhiều trâu, bò làm cỗ. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, thông qua các cuộc tuyên truyền, vận động, anh Pó dần thay đổi suy nghĩ. “Tôi rất ủng hộ việc xóa bỏ những hủ tục, phát huy những giá trị văn hóa mới trong tang lễ, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa dân tộc Mông và các dân tộc anh em khác. Hiện nay, thế hệ trẻ người Mông chúng tôi đều học theo nếp sống văn hóa mới, còn người già thì cũng dần hiểu và ủng hộ”, anh Sùng A Pó chia sẻ.

Bí thư Huyện đoàn Mường Lát Lâu Văn Phía cho biết: Với vai trò xung kích của mình, hằng năm Đoàn Thanh niên đều tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp đỡ cộng đồng. Thông qua các chương trình cụ thể, khích lệ tinh thần thanh niên có ý chí vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới, đặc biệt văn hóa trong tang lễ của người Mông. 

Hiện nay, 100% đoàn viên thanh niên người Mông nói không với hủ tục, hướng đến xây dựng văn hóa mới. Sự chuyển đổi này không chỉ làm thay đổi văn hóa, mà còn tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội tại vùng đồng bào dân tộc Mông.

Hiện nay, 100% đoàn viên thanh niên người Mông nói không với hủ tục, hướng đến xây dựng văn hóa mới
Hiện nay, 100% đoàn viên thanh niên người Mông nói không với hủ tục, hướng đến xây dựng văn hóa mới

Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: "Để đạt được những kết quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức và thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của đồng bào Mông, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, vận động sâu rộng, tổ chức hàng trăm hội nghị, buổi tiếp xúc trực tiếp với bà con tại các bản làng. 

Cùng với đó, triển khai hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành đã giúp tạo dựng niềm tin và khích lệ bà con thay đổi, thực hiện nếp sống mới. Thành công này, là kết quả của sự đồng lòng, nỗ lực không ngừng từ phía các cấp lãnh đạo, chính quyền và cộng đồng dân tộc Mông".

"Sự thay đổi trong nhận thức của người dân đã làm cho các thế lực phản động ít có cơ hội lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia", ông Cầm Bá Tường nhấn mạnh.

Hiện nay, 100% bản Mông có hương ước, quy ước và thực hiện hương ước, quy ước về nếp sống văn hóa trong tang lễ; tỷ lệ đám tang đồng bào Mông tổ chức theo nếp sống văn hóa mới là 251/253 (đạt 99,2%); tỷ lệ trưởng dòng họ, trưởng bản, Người có uy tín có cam kết thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định là 182/202 (đạt 90%); tỷ lệ đám tang không tổ chức bắn súng thông báo có người chết đạt 100%. Số bản đồng bào Mông có nghĩa địa tập trung là 28/44 (chiếm 63,6%)...

Tin cùng chuyên mục