Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí chủ động thoát nghèo

Quỳnh Trâm - 19:48, 21/08/2024

Nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân vùng DTTS miền núi Thanh Hóa trong giảm nghèo, nhiều địa phương không chỉ triển khai hiệu quả công tác dân tộc, các chính sách dân tộc, nhất là về hỗ trợ vốn và sinh kế cho người dân; mà còn tích cực vận động, tuyên truyền người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy tinh thần tự lực, tự chủ vươn lên thoát nghèo.

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Là xã thuộc vùng trũng của huyện miền núi Như Xuân, nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo, đến nay xã đã có nhiều đổi thay. Từ những thôn bản nghèo khó, xơ xác nhiều năm trước, giờ đây xã đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Cùng với đó, đời sống người dân được nâng lên nhờ các mô hình kinh tế  trồng keo, cây ăn quả như cam, bưởi, ổi...

“Đó là kết quả của việc triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, cùng với sự chủ động nỗ lực của bà con Nhân dân”, bà Đinh Thị Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lương cho hay.

Huyện Như Xuân đã chuyển đổi hàng 100 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Huyện Như Xuân đã chuyển đổi hàng trăm ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Những năm qua, để các hộ nghèo chủ động phấn đấu, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo, hộ nghèo thấy rõ vai trò của mình, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thực hiện chương trình giảm nghèo. 

Đồng thời, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo có những phương thức mới trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Nhất là việc tuyên truyền, vận động khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Trên cơ sở nắm chắc hoàn cảnh, nguyên nhân các hộ nghèo, địa phương đã tổ chức tập huấn khuyến nông, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để các hộ nghèo biết cách cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi; tổ chức các buổi đối thoại để trao đổi cách làm hay của các hộ khá và giàu, giải đáp thắc mắc của các hộ nghèo.

Để các hộ nghèo có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo. Trong đó, Hội Cựu chiến binh xã hỗ trợ hội viên tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã phối hợp với các tổ chức tín dụng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận chương trình tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng nghèo, cận nghèo. Từ những cách làm cụ thể, năm 2016, toàn xã Bình Lương có 35,2% hộ nghèo, thì đến giữa năm 2024 chỉ còn hơn 3% hộ nghèo.

Là một trong những hộ thoát nghèo ở xã Bình Lương, trước năm 2020, gia đình bà Nguyễn Thị Dậu ở thôn Làng Sao vẫn là hộ nghèo, sống trong ngôi nhà tranh tre nứa lá. Được sự hỗ trợ của chính quyền về về nguồn vốn 10 triệu đồng để mua bò cái sinh sản về chăn nuôi. 

Cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ địa phương và sự nỗ lực chăm chỉ của chính gia đình bà Sáu, đến nay, đàn bò của gia đình đã lên đến 4 con. Kết hợp với nuôi trồng rừng keo, có thu nhập, gia đình đã xây dựng được nhà ở kiên cố, thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

“Ban đầu chúng tôi dù muốn thoát nghèo nhưng không biết trông chờ vào đâu, thiếu vốn và thiếu định hướng, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã tìm được lối đi và có thêm động lực để chủ động vươn lên làm giàu cho gia đình”, bà Sáu nói.

Trao cần câu hơn trao con cá

Tương tự Như Xuân, huyện Lang Chánh cũng xác định, công tác giảm nghèo cần được quan tâm hàng đầu, nhất là việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá” để người nghèo nỗ lực vươn lên.

Cán bộ dự án bàn giao giống của Dự án “Xây dựng quy trình chăn nuôi vịt bầu bản địa theo hướng sinh sản gắn liền theo chuỗi liên kết
Cán bộ dự án bàn giao giống của Dự án “Xây dựng quy trình chăn nuôi vịt bầu bản địa theo hướng sinh sản gắn liền theo chuỗi liên kết" tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh

Những năm gần đây, thông qua các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, huyện Lang Chánh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình nuôi trâu, bò sinh sản; mô hình nuôi dê lai, mô hình lợn nái sinh sản; mô hình trồng cây vầu, mô hình trồng bưởi da xanh... 

Năm 2023, thông qua Dự án 2 - đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Lang Chánh đã thực hiện các mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò tại các xã, thị trấn với tổng mức kinh phí thực hiện hơn 8,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện Lang Chánh luôn tạo mọi điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi. Hiện nay, huyện Lang Chánh có 3.450 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng mức dư nợ trên 400 tỷ đồng. Có vốn, người dân đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình thông qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn; tuyên truyền trực quan qua băng zôn, khẩu hiệu; tổ chức hội nghị nâng cao năng lực trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo đối với cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, thôn, bản; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm; các hội nghị thôn, bản, khu phố... 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên về công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến tích cực và tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện đã thay đổi về nhận thức nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.