Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên): Tín hiệu tích cực từ các mô hình kinh tế tập thể

Như Lan - 17:44, 14/12/2020

Trong những năm qua, các mô hình kinh tế tập thể (KTTT), đặc biệt là mô hình kinh tế các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Người nông dân thị xã Phổ Yên chăm sóc cây đinh lăng
Người nông dân thị xã Phổ Yên chăm sóc cây đinh lăng

Là điểm sáng trong phát triển KTTT, xã Phúc Thuận là địa phương có nhiều HTX và tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả trên địa bàn, với 2 HTX và 11 tổ liên kết trồng chè và cây ăn quả. Ông Nguyễn Viết Hữu, thành viên HTX trồng cây ăn quả Phúc Hưng cho biết: Tham gia HTX, ngoài việc được tiếp cận phương pháp sản xuất tập trung, an toàn thì sản phẩm nhãn của gia đình còn được bán với giá cao hơn ngoài thị trường 5.000-10.000 đồng/kg.

Theo ông Hữu, ngoài các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình hiệu quả tại tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, các thành viên trong HTX cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và thu hoạch để từ đó áp dụng vào thực tế của gia đình…

Tương tự, một trong những HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn thị xã Phổ Yên, phải kể đến HTX Dịch vụ Hoa Trung, ở tổ dân phố Phúc Long, phường Bắc Sơn. Ông Phạm Văn Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Hoa Trung cho biết: Năm 2010, HTX được thành lập với 20 thành viên, xuất phát điểm ban đầu của HTX là chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ong mật. Sau một thời gian tìm hiểu thông tin, tham khảo các mô hình khác, nhận thấy địa phương có lợi thế để phát triển cây dược liệu nên năm 2016, HTX đã tìm hiểu và vận động các thành viên chuyển sang trồng cây đinh lăng nếp lá nhỏ với diện tích hơn 6ha, tập trung ở các xã: Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận.

"Sau 5-6 tháng trồng thử nghiệm, mỗi hecta đinh lăng của HTX Dịch vụ Hoa Trung cho có thể cho thu hoạch 5-6 tấn lá/năm, giá bán 6.000 đồng/kg. Sau hơn 3 năm triển khai, đinh lăng phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế khả quan nên được các xã viên tiếp tục phát triển mở rộng diện tích", ông Hoa cho biết thêm.

Nông nghiệp thị xã Phổ Yên đang được phát triển theo hướng công nghệ cao (Ảnh: TL)
Nông nghiệp thị xã Phổ Yên đang được phát triển theo hướng công nghệ cao (Ảnh: TL)

Hiện nay, thị xã Phổ Yên có 64 HTX và 10 THT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, môi trường, thu hút trên 5.000 thành viên và người lao động. 5 năm qua, khu vực KTTT của thị xã Phổ Yên đã có những chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, năng lực và chất lượng hoạt động. Số THT phát triển nhanh, các HTX cũ về cơ bản đã chuyển đổi xong, nhiều HTX mới được thành lập, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả xuất hiện nhiều hơn. Qua đó, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hàng năm, người đứng đầu các HTX, THT đều được tham gia các lớp tập huấn nâng cao công tác quản trị, nâng cao năng lực điều hành, tổ chức sản xuất… Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, khó khăn chủ yếu đối với các mô hình KTTT trên địa bàn thị xã Phổ Yên là thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất, năng lực quản lý, điều hành của một số HTX, THT còn hạn chế; chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn nhiều bất cập, vẫn còn số ít HTX thành lập chỉ mang tính chất hình thức nên hiệu quả hoạt động chưa cao…

Do đó, để phát huy hiệu quả vai trò của KTTT, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi HTX và THT trên địa bàn thị xã Phổ Yên cần chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi thành viên. Cùng với đó, thị xã Phổ Yên cũng cần quan tâm hơn trong việc bố trí quỹ đất để các HTX, THT được thuê đất mở rộng sản xuất, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển…

Tin cùng chuyên mục
Sầu riêng chết hàng loạt, người dân Bình Phước lo lắng

Sầu riêng chết hàng loạt, người dân Bình Phước lo lắng

Khoảng 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên, khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay, đã có khoảng 200 ha sầu riêng ở địa phương bị chết.