Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thổ cẩm các dân tộc Tây Nguyên trước cơ hội mới: Chương trình MTQG 1719 - "Đường băng" cho thổ cẩm cất cánh (Bài 3)

Lê Hường - 13:33, 09/12/2023

Nguồn lực từ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đang tạo động lực mới để duy trì, phát triển đưa thổ cẩm tiếp tục vươn xa. Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh Đắk Lắk cùng các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào

Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm của người Ê Đê buôn Drai Hling được hỗ trợ máy móc, dụng cụ phục vụ việc truyền dạy và dệt thổ cẩm
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm của người Ê Đê buôn Drai Hling được hỗ trợ máy móc, dụng cụ phục vụ việc truyền dạy và dệt thổ cẩm

Câu lạc bộ dệt thổ cẩm

Tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống trong giai đoạn mới, Chương trình MTQG 1719, đã thiết kế riêng Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Điển hình như mới đây, Sở đã phối hợp với UBND xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ dệt thổ cẩm của người Ê Đê buôn Drai H’ling; đồng thời tổ chức thành công lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ Ê Đê trên địa bàn xã. 

Bà H'Nga Byă, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê ở buôn Drai Hling chia sẻ: Trước thực tế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê không còn được người dân trong các buôn làng, không còn quan tâm giữ gìn và truyền dạy cho con cháu, nên chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo xã, tập hợp nhóm người có cùng sở thích để thành lập Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê. 

Hoạt động của câu lạc bộ hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, đây cũng là nơi các thành viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và trao đổi, chia sẻ cho nhau các phương pháp hoàn thiện sản phẩm, cùng nhau tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp phụ nữ DTTS tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống từ di sản văn hóa.

 Thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm giăng sợi trên khung
Thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm giăng sợi trên khung

Câu lạc bộ có 15 thành viên là phụ nữ dân tộc Ê Đê ở 3 buôn trên địa bàn xã Hòa Xuân. Việc xây dựng Câu lạc bộ, không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Ê Đê, mà là hoạt động nhằm động viên, khích lệ đồng bào DTTS tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy vai trò chủ thể trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.

Bảo tồn dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch

Ngay sau khi ra mắt câu lạc bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã khai giảng lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm cho các thành viên trong câu lạc bộ. Ngoài việc được nghệ nhân truyền dạy các kỹ năng dệt cơ bản, cách lên khung, xếp sợi để tạo hình hoa văn và tạo khổ dệt một sản phẩm cụ thể, các học viên được hỗ trợ khung dệt, máy vắt sổ, máy khâu,… để thực hành dệt thổ cẩm.

Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân nhấn mạnh: Từ hoạt động của Câu lạc bộ cho thấy, các nghệ nhân rất trách nhiệm, nhiệt huyết truyền dạy những kinh nghiệm quý báu, vốn kiến thức căn bản về kỹ năng dệt thổ cẩm cho các học viên. Từ đó, góp phần bảo vệ di sản của nhân loại trước nguy cơ bị thất truyền.

Thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm
Thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm

Trong thời gian tới, xã Hòa Xuân có kế hoạch định hướng bảo tồn văn hóa truyền thống nói chung và dệt thổ cẩm nói riêng gắn với phát triển du lịch.Từ đó, khơi dậy ý thức bảo tồn nét đẹp văn hóa, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, là một giải pháp hữu hiệu, giúp công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các DTTS được triển khai kịp thời và có hiệu quả. Các lớp truyền dạy sẽ mở ra cơ hội phát triển cho nghề truyền thống.

Sau hơn 1 tháng, với tinh thần tận tình, trách nhiệm của nghệ nhân truyền dạy và chăm chỉ, cần cù của học viên lớp học đã thành công. Các học viên đã trở thành những nghệ nhân trẻ, dệt ra những tấm vải, tạo ra sản phẩm đẹp, có thể bán ra thị trường. Ngành Văn hóa hy vọng, Câu lạc bộ sẽ ngày càng có nhiều thành viên, tay nghề kỹ thuật cao, các sản phẩm ngày càng phong phú. “Để phát huy giá trị thổ cẩm, không chỉ biết làm ra sản phẩm mà còn phải tìm đầu ra, gắn phát triển du lịch, kết nối với các tour trình diễn dệt cho du khách xem và bán sản phẩm”, ông Đại nhấn mạnh. 

Theo ông Lại Đức Đại, lớp truyền dạy dệt thổ cẩm cũng giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ tự hào, tự tôn dân tộc và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề nghề dệt của dân tộc mình. Bên cạnh đó, góp phần phát triển dệt thổ cẩm gắn với du lịch, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, giúp cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Được biết, thực hiện Dự án 6, đến nay tỉnh Đắk Lắk thành lập 12 Câu lạc bộ (CLB) gồm 1 CLB văn hoá dân gian về Dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê tại buôn Drai Hling, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột và 11 CLB văn nghệ truyền thống tại các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; 1 lớp truyền dạy dệt thổ cẩm, 3 lớp truyền dạy đánh chiêng và các nhạc cụ dân tộc; hỗ trợ xây dựng 2 điểm du lịch tiêu biểu; hỗ trợ 15 tủ sách 30 bộ trang thiết bị cho các Nhà văn hoá cồng đồng tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi...; 

Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục triển khai xây dựng 1 mô hình văn hóa truyền thống các DTTS, 3 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn liền được với phát triển du lịch, là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. Thực hiện hiệu quả chủ trương này, sẽ từng bước giải quyết được việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, hiện các sở, ngành chức năng liên quan cũng đang rà soát tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, ưu tiên, điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ triển khai các nội dung của Dự án 6, trong đó chú trọng, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của huyện, trong đó có thổ cẩm. Đây sẽ là cơ hội tạo đà cho du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.