Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Phụ nữ làng Teng với quyết tâm đưa thổ cẩm H'rê ra thị trường thế giới

Tiêu Dao - Ngọc Lê - 20:55, 03/11/2023

Xinh như đóa hoa rừng với nụ cười rạng rỡ, Phạm Thị Y Hòa (30 tuổi), người H’rê ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn rất e lệ khi kể chuyện về mình. Nhưng đi vào mạch chuyện thổ cẩm, Y Hòa như bừng dậy niềm khao khát, đam mê...

Y Hòa, người trẻ dân tộc Hrê dành nhiều thời gian, tâm huyết để nâng tầm thổ cẩm dân tộc, đưa thổ cẩm vươn xa ra thế giới
Y Hòa dành nhiều thời gian, tâm huyết để nâng tầm thổ cẩm dân tộc, đưa thổ cẩm vươn xa ra thế giới

Nẻo về nguồn cội

Y Hòa kể, những đứa trẻ làng Teng khi sinh ra đã được quấn trong tấm thổ cẩm, được mẹ địu sau lưng cũng bằng cái khăn thổ cẩm và đến khi về với tổ tiên cũng nằm trong chính tấm thổ cẩm ấy. Những nét hoa văn trên thổ cẩm như là chỉ dấu vĩnh viễn cho người làng Teng và cả người H'rê khắp vùng thảo nguyên Bùi Hui, sang An Lão, tỉnh Bình Định. 

Y Hòa lớn lên từ cái nôi thổ cẩm rồi lại tiếp nối những người lớn tuổi dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp nhất, với những hoa văn độc đáo nhất. Thổ cẩm đã ngấm vào từng hơi thở, ngấm vào từng ngón tay dệt của Y Hòa. Những bức phác họa mẫu thổ cẩm hay trên khung dệt, bao giờ Y Hòa cũng cẩn trọng từng chút một, để từng sản phẩm thủ công được đẹp nhất, hoàn hảo nhất.

Phạm Thị Y Hòa và Trưởng thôn làng Teng Đinh Văn Sây trong phục truyền thống.
Phạm Thị Y Hòa và Trưởng thôn làng Teng Đinh Văn Sây trong phục truyền thống.

Thảo nguyên Bùi Hui bao năm qua vẫn đậm đà bản sắc văn hóa như thế. Người làng Teng phóng khoáng nhưng cũng tinh tế và sáng tạo đời sống văn hóa nhờ được lưu truyền qua bao thế hệ. Những bộ áo, váy thổ cẩm không lẫn vào đâu được. Nó vẫn ở đó, nguyên vẹn như những buổi đầu của người Hrê cổ xưa. Cứ đến mùa cây bông trồng trên triền núi trổ bông trắng cả triền núi, người làng hái về, quay vòng, se thành sợi. 

Khi con gái mang gùi đi hái bông về kéo sợi, thì con trai lại ngược lên núi kiếm rễ hay vỏ cây rừng về làm màu ngâm sợi. Từ những sợi bông đã nhuộm màu, qua bàn tay người phụ nữ làng Teng sẽ trở thành những tấm thổ cẩm độc đáo. Đối với những người phụ nữ ở vùng cao này, nghề dệt chính là thước đo cho sự khéo léo. Đứa trẻ H'rê khi sinh ra đã thấy người mẹ miệt mài bên khung dệt. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se chỉ, nhuộm màu. Để rồi theo năm tháng, nghề dệt thổ cẩm cứ len lỏi trong từng mạch máu của những người con nơi núi rừng.

Thổ cẩm H'rê với vẻ đẹp độc đáo và nhiều hoa văn, họa tiết.
Thổ cẩm H'rê với vẻ đẹp độc đáo và nhiều hoa văn, họa tiết.

“Hồi đó được chọn mang sản phẩm dệt thổ cẩm làng Teng đi sang Dubai để quảng bá, không chỉ em mà cả làng Teng này đều háo hức. Mọi người đều hiểu phải làm sao có sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất mang ra với thế giới, để mọi người thấy thổ cẩm của làng, cũng như sản phẩm của Việt Nam rất đẹp, rất độc đáo. Đó cũng là một cách để quảng bá văn hóa Việt Nam, quảng bá sản phẩm của Việt Nam với bạn bè quốc tế”, Y Hòa tự hào khi kể lại kỷ niệm được mang thổ cẩm đi triển lãm thế giới - EXPO 2020 diễn ra tại Dubai. Đặc biệt, thổ cẩm do Y Hòa dệt ra được 2 nhà thiết kể nổi tiếng là Lý Quý Khánh và Chula (tên thật Diego Del Valle Cortizas, đã mất) lựa chọn góp mặt trong show trình diễn thời trang rất ấn tượng tại EXPO 2020 - Dubai. Từ sự kiện đó, thổ cẩm làng Teng được nhiều người quan tâm. Nhiều khách hàng biết đến, đặt hàng nên hiệu ứng cực kỳ tốt. Y Hòa khoe về thổ cẩm bằng nụ cười tươi rói của mình.

Mở lối cho thổ cẩm

Niềm tự hào của Y Hòa cũng là niềm tự hào của những người H'rê đang ngày ngày dệt thổ cẩm ở làng Teng. Cột mốc đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nghề dệt làng Teng là năm 2019, Nhà nước đầu tư Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn làng Teng với kinh phí 10,5 tỷ đồng. Đồng thời lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề dệt làng Teng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là thời gian mạng xã hội bắt đầu phát triển mạnh, những cô gái trẻ ở làng bắt đầu quảng bá sản phẩm của mình và gia đình lên Facebook. Dần dần, thổ cẩm làng Teng trở thành một từ khóa "hot" ở Quảng Ngãi. Nhiều bạn trẻ đi học, đi làm xa... cũng về làng nối nghề.

Cùng với Y Hòa, Phạm Thị Sung (27 tuổi, người làng Teng) cũng tiếp nối những thành công của đàn chị. Sung mở một cửa hàng thổ cẩm, tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình và của nhiều người trong làng. Sung bảo, thổ cẩm làng Teng có ba màu chủ đạo là đen, đỏ, trắng. Màu đen tượng trưng cho con trâu (màu da trâu) là con vật thiêng của người H'rê. Màu đỏ tượng trưng cho dòng máu của người H'rê, màu trắng là linh hồn của con người ở trong tấm vải. Hoa văn trên tấm vải thổ cẩm thể hiện phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của người dân như mây trời, sông suối, núi rừng, mũi tên, tổ ong, da rắn, lá cây... Tùy theo loại trang phục và độ công phu, một sản phẩm có thể dệt trong vài ngày hoặc một, hai tuần.

Y Hòa (phải) và Phạm Thị Sung (trái) là những người phụ nữ trẻ đang nỗ lực đưa thổ cẩm H’rê ra với bạn bè trong nước và quốc tế.
Y Hòa (phải) và Phạm Thị Sung (trái) là những người phụ nữ trẻ đang nỗ lực đưa thổ cẩm H’rê ra với bạn bè trong nước và quốc tế.

“Khi tạo ra được sản phẩm mới, tôi thường chia sẻ rộng rãi lên trang cá nhân trước để mong nhận được những ý kiến đóng góp từ bạn bè, khách hàng. Đây cũng là cách để mình làm tốt hơn, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường”, Sung tâm sự. Không chỉ thế, Sung cũng mang sản phẩm thổ cẩm đi nhiều hội chợ, đi các triển lãm, đi cả những điểm trưng bày, trong các cuộc thi... và từ đó nhiều người đã biết đến hơn, khách hàng tìm đến cũng rất đông.

Đã có một dạo, khi những sản phẩm thổ cẩm của Y Hòa hay Sung có những biến tấu thì vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng Y Hòa khẳng khái: “Thổ cẩm Hrê là giá trị truyền thống, cội nguồn của chúng tôi. Vì vậy, dù cách tân hay biến tấu một chút đi nữa thì mục đích cuối cùng của tôi vẫn là bảo tồn thổ cẩm Hrê. Những người trẻ chúng tôi quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình để từ đó phát triển kinh tế bằng chính giá trị văn hóa dân tộc”.

Phạm Thị Sung cần mẫn với sản phẩm thủ công của mình.
Phạm Thị Sung cần mẫn với sản phẩm thủ công của mình.

Với ý tưởng nâng tầm cho thổ cẩm, với khao khát phải gìn giữ văn hóa dân tộc nhưng phát triển được sinh kế lâu dài, Y Hòa hay Sung đã miệt mài sáng tạo nhiều hơn. Từ những sản phẩm thủ công truyền thống đơn điệu như áo, váy, khăn, thì bây giờ những thổ cẩm Hrê đã vô cùng đa dạng. Không chỉ quần áo, khăn, khố đơn thuần mà còn có túi xách, cà vạt, áo dài, trang phục đám cưới, đồ cách tân… đều được làm ra một cách độc đáo và phù hợp với thị hiếu, trong khi vẫn giữ gần như nguyên bản sắc màu, họa tiết hoa văn... Những thợ dệt trẻ cũng đã cải tiến thổ cẩm thành những sản phẩm phù hợp xu thế như váy, áo hai dây, đầm xẻ... để đáp ứng yêu cầu thị trường. Thời gian qua, cà vạt, khăn quàng, khăn trải bàn mang thương hiệu “Y Hoa” được UBND tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn để làm quà tặng, quảng bá đến nhiều nước, như Thụy Sĩ, Italy, Anh, Đức…

Bà Phạm Thị Thung, 80 tuổi, ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi tấm tắc: “Mấy đứa trẻ giỏi rồi, đã giữ được nghề của người già, còn biết kiếm ra tiền từ nghề dệt. Người già đã có thể yên tâm khi truyền lại hết cách dệt cho người trẻ như Sung hay Y Hòa. Chỉ mong nghề dệt này còn mãi và người trẻ biết làm ăn để giữ được văn hóa của  đồng bào H'rê!”

Ngoài việc quảng bá trên mạng xã hội, những người trẻ dân tộc Hrê cũng mang sản phẩm thổ cẩm đi nhiều hội chợ, đi các triển lãm, đi cả những điểm trưng bày, trong các cuộc thi...
Ngoài việc quảng bá trên mạng xã hội, những người trẻ dân tộc Hrê cũng mang sản phẩm thổ cẩm đi nhiều hội chợ, đi các triển lãm, đi cả những điểm trưng bày, trong các cuộc thi...

Điều bà Thung nói cũng là tâm nguyện của những người già khắp triền rừng Ba Tơ này. Dù còn khá ít ỏi, nhưng những phụ nữ trẻ tuổi như Y Hòa, Sung vẫn đang ngày đêm cần mẫn với thổ cẩm, đưa những sản phẩm độc đáo này vượt ra khỏi những bản làng đồng bào H'rê, vượt ra khỏi ranh giới quốc gia mà tiến ra với thời trang thế giới.

Theo ông Phạm Văn Thước, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Thành cho biết: “Làng Teng đã thành lập tổ dệt sinh hoạt định kỳ hằng tháng tại nhà văn hóa để chia sẻ kinh nghiệm dệt, liên kết làm sản phẩm cho khách hàng. Nhờ đó, ngày càng nhiều phụ nữ làng Teng biết dệt, hiện đã có 70 hộ Hrê làm nghề dệt thổ cẩm. Những năm qua, phụ nữ làng Teng thường được ngành Văn hóa mời đi dự các Festival làng nghề truyền thống. Chính quyền địa phương cũng đã đề xuất tới Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Ba Tơ triển khai việc sử dụng tên địa danh làng Teng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Dệt thổ cẩm làng Teng".

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.