Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thổ cẩm trong đời sống thời trang hiện đại

Ngọc Ánh - 14:09, 17/02/2021

Trong đời sống thời trang hiện đại hôm nay, đã có nhiều nhà thiết kế ứng dụng chất liệu vải thổ cẩm vào thiết kế thời trang may mặc cao cấp, tạo ra những bộ sưu tập áo dài, váy dạ hội, váy áo tân thời vô cùng bắt mắt, ấn tượng. Chất liệu vải thổ cẩm được nhiều nhà thiết kế yêu thích, quan tâm, tuy nhiên, ứng dụng vào thiết kế thời trang cao cấp lại không dễ dàng bởi những tính chất đặc trưng của nó.

 Thổ cẩm khoe sắc tại Fashion Show “Hương rừng sắc núi”- tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 năm 2020. (Ảnh TL)
Thổ cẩm khoe sắc tại Fashion Show “Hương rừng sắc núi”- tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 năm 2020. (Ảnh TL)

Khoe sắc trên sàn diễn

Trong dịp Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 được tổ chức tại tỉnh Đăk Nông mới đây, 3 nhà thiết kế (NTK) nổi tiếng gồm: Lý Quí Khánh, Valentine Vân Nguyễn và Diego Chula đã giới thiệu đến công chúng những bộ sưu tập thời trang mới lạ, độc đáo, ấn tượng mang chủ đề “Hương rừng sắc núi”.

Tại sự kiện này, NTK Diego Chula (người Tây Ban Nha, ông chủ thương hiệu thời trang Chula tại Việt Nam) mang đến bộ sưu tập “We love Tho cam” thể hiện sự đa dạng của thổ cẩm các DTTS từ miền núi phía Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ. Với sự kết hợp hài hòa, tinh tế nhiều màu sắc, chất liệu thổ cẩm trên cùng sản phẩm thiết kế, cộng với dáng trang phục hiện đại, NTK Chula mong muốn vải thổ cẩm sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong thời trang hiện đại.

NTK Valentine Vân Nguyễn mang đến bộ sưu tập có tên là CAM. Bộ sưu tập là sự hòa trộn giữa những họa tiết và các mảnh vải trên các thiết kế gợi cảm, mang đến đa tầng cảm xúc. Với phong cách thiết kế mang hơi hướng cổ điển, NTK Valentine Vân Nguyễn mong muốn phát triển thổ cẩm gắn với trang phục truyền thống để đưa vào những dự án nghệ thuật cổ trang, giúp chất liệu này được nhận biết nhiều hơn.

Còn NTK Lý Quí Khánh giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập với chủ đề “Hạt nắng” với lối thiết kế sang trọng, thanh thoát, phóng khoáng, mang đậm tinh thần của vùng đất, con người Tây Nguyên.

Buổi trình diễn thời trang thổ cẩm được tổ chức tại một rừng thông thuộc xã Nâm N'Jang, huyện Đăk Song (Đăk Nông), thu hút đông đảo công chúng và các NTK đến thưởng lãm. Từ đây, đã có một số NTK lên kế hoạch kết nối với các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con DTTS, để đưa thổ cẩm vào thời trang ứng dụng.

Trước đó, tại nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội thời trang quan trọng khác, thổ cẩm đã có mặt nhiều trên các sàn diễn. Năm 2018, tại Lễ Kỷ niệm 125 năm Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã thiết kế một chương trình trình diễn thời trang “Tơ lụa và thổ cẩm Nam Tây Nguyên” bên hồ Xuân Hương thơ mộng. Chương trình do NTK Minh Hạnh làm tổng đạo diễn. 50 người mẫu đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng 40 nữ sinh Đà Lạt và các sơn nữ dân tộc tham gia trình diễn các mẫu thiết kế thời trang từ chất liệu lụa Bảo Lộc và thổ cẩm dân tộc Mạ, Cơ Ho, thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương đến xem và cổ vũ.

Một số mẫu thiết kế thời trang bằng chất liệu thổ cẩm được trình diễn tại Fashion Show “Hương rừng sắc núi” (Ảnh TL)
Một số mẫu thiết kế thời trang bằng chất liệu thổ cẩm được trình diễn tại Fashion Show “Hương rừng sắc núi” (Ảnh TL)

Đẹp nhưng khó chiều

Trong làng thiết kế thời trang Việt Nam, NTK Minh Hạnh được coi là người tiên phong đưa thổ cẩm của các DTTS Việt Nam lên nhiều sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế. Chị được coi là “sứ giả văn hóa” của Việt Nam, mang những chiếc áo dài truyền thống, những bộ trang phục tân thời bằng chất liệu thổ cẩm đi giới thiệu, quảng bá với bạn bè ở khắp năm châu.

Trong nhiều năm qua, NTK Minh Hạnh đã lặn lội hàng tháng trời đến các buôn làng ở vùng cao để tìm hiểu về chất liệu, kiểu dáng họa tiết trên vải thổ cẩm của các DTTS. Trên nền tảng hoa văn truyền thống, chị sáng tạo ra những mẫu hoa văn, họa tiết mới bằng cảm quan hiện đại, làm toát lên biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam trên những bộ trang phục bằng chất liệu thổ cẩm tơ tằm. Để hoàn thành các mẫu thiết kế theo từng chủ đề, NTK Minh Hạnh phải bỏ ra cả năm trời để nghiên cứu, thử nghiệm và bắt tay vào thiết kế, vô cùng tốn kém về cả thời gian, công sức và tiền bạc.

Còn NTK Valentine Vân Nguyễn đã có nhiều năm “làm bạn” với thổ cẩm, tuy nhiên, chị cũng có chung nhận định như các NTK khác: “Thổ cẩm là chất liệu đẹp, nhưng gây nhiều khó khăn khi thiết kế như khó cắt may, tạo phom... Nếu cắt vải không khéo hoặc không có hướng xử lý tốt sẽ khiến các đường dệt bị bung ra toàn bộ”. Vì thế, Valentine Vân Nguyễn còn đặt mua hẳn một chiếc máy cắt riêng dành cho chất liệu này.

Bên cạnh đó, hoa văn, màu sắc trên thổ cẩm thường được dệt theo chủ ý của các nghệ nhân, vì thế, có những sắc màu rực rỡ, rất khó kết hợp. NTK Vân Nguyễn chia sẻ, để có đủ số lượng thổ cẩm thực hiện các bộ sưu tập trong Fashion Show “Hương rừng sắc núi” tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm vừa qua, các NTK phải mất đến nửa năm tìm đến tận nhà nghệ nhân ở nhiều tỉnh, thành như: Đăk Nông, Lâm Đồng, Quảng Trị để mua vải thổ cẩm. Trong đó có những chất liệu phải đặt nghệ nhân thực hiện riêng theo yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục
Khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam năm 2024

Khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam năm 2024

Tối 13/10, tại Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Tuần Lễ múa Việt Nam năm 2024. Với chủ đề “Dòng sông ánh sáng”.