Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Số hoá” để bảo tồn văn hóa thổ cẩm

Hồng Phúc - 10:37, 04/08/2020

Với niềm say mê văn hóa dân tộc và nhận thức rõ hoa văn thổ cẩm là bản sắc riêng, là báu vật của các dân tộc Việt Nam, nhóm 8 sinh viên trẻ của các trường đại học đã xây dựng Dự án Ethnicity, tạo nên thư viện số văn hóa thổ cẩm để dễ dàng ứng dụng các thiết kế hằng ngày của người Việt như: Ấn phẩm văn phòng, thời trang, nghệ thuật, quà lưu niệm...

Các thành viên của Dự án Ethnicity
Các thành viên của Dự án Ethnicity

Dự án Ethnicity ra đời từ mong muốn gìn giữ và bảo vệ những nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc ở vùng Tây Nguyên, hơn thế nữa là quảng bá chúng đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Điều đặc biệt mà Dự án Ethnicity đã làm được là tạo ra thư viện số thổ cẩm, với phương pháp mỹ thuật hóa chúng bằng ứng dụng Adobe Illustrator từ hình ảnh chụp thực tế của những tấm thổ cẩm, giữ lại nguyên vẹn kiểu dáng, nét dệt và màu sắc của các hoa văn truyền thống rồi được lưu trữ và công khai miễn phí cho cộng đồng sử dụng. 

Kết quả khả quan của Dự án là sau 3 tháng, 8 thành viên thực hiện Dự án đã cho hoạt động trên 3 nền tảng xã hội: Website, Facebook, Instagram và ra mắt được 4 thư viện số. Sau khi ra mắt chỉ trong vòng 7 ngày, nhóm nhận được 1.000 lượt truy cập Website, 300 lượt xem các hoa văn tại thư viện mẫu, gần 100 lượt tải về sử dụng, Fanpage Facebook gần đạt cột mốc 800 lượt thích của Dự án. 

Trong thời đại công nghệ, những tiện ích này tạo ra cách tiếp cận nhanh chóng cho mọi người, nhất là tạo nên điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng thiết kế - sáng tạo ứng dụng hoa văn dân tộc vào các sản phẩm đương đại ví dụ: Các hoa văn thổ cẩm được thiết kế cách điệu, bắt kịp xu hướng từ những hoa văn gốc lên những bộ trang phục của H’Hen Niê, hay những bộ trang phục thổ cẩm cách tân trong các MV ca nhạc của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh… Điều này tạo ra hiệu ứng quảng bá lớn đối với thổ cẩm, những ứng dụng này đem văn hóa của đồng bào DTTS đến gần hơn với cuộc sống đương đại, đồng thời cũng tiếp thêm động lực cho họ bảo tồn nét đẹp của dân tộc mình. 

Không chỉ phát triển Dự án trong nước, với mong muốn mang thổ cẩm ra ngoài thế giới, từ năm 2018, Ethnicity được chọn là 1 trong 10 Dự án trong khối ASEAN được Phan Văn Quyền, người sáng lập Dự án Ethnicity trực tiếp trình bày với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tháng 4/2019, Ethnicity được Quỹ ASEAN đề cử trở thành thành viên của Social Innovation Warehouse. Tháng 6/2019, Dự án cũng đã vinh dự được giới thiệu với thế giới qua Diễn đàn Thanh niên quốc tế UNESCO tại Trung Quốc. Cũng trong tháng này, Phan Văn Quyền, cùng các thành viên đã giới thiệu tại Phiên họp của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 43 ở Baku, Azerbaijan. Tháng 8/2019, Dự án chính thức có mặt trên trang Website của Social Innovation Warehouse - kho lưu trữ và quảng bá trực tuyến các dự án xã hội tiềm năng của các nhà lãnh đạo trẻ được liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc...

Mỗi lần tham dự chương trình ở nước ngoài, các thành viên đều mang Dự án đi để thuyết trình và mang các ấn phẩm của Dự án làm quà tặng và quảng bá nét đẹp văn hóa thổ cẩm này. 

Thời gian sắp tới, nhóm Dự án sẽ hoàn thiện trọn bộ thư viện số với 200 hoa văn thổ cẩm gốc được mỹ thuật hóa, minh họa đời sống của các DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Các đội ghe Ngo vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng cho ngày hội lớn

Các đội ghe Ngo vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng cho ngày hội lớn

Mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, các đội ghe Ngo nam và nữ đến tranh tài đã sẵn sàng cho ngày hội lớn, quyết đạt thành tích trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.