Việc triển khai Dự án 3, Chương trình MTQG 1719 đã và đang giúp đồng bào DTTS có cơ hội vươn lên thoát nghèoNỗ lực từ các địa phương
Xác định vùng đồng bào DTTS giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại; những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào DTTS; trong đó, thực hiện Chương trình MTQG 1719 với 10 dự án thành phần nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất trong vùng đồng bào DTTS.

Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ vốn mua bò giống nuôi để phát triển kinh tế, tôi coi đây là cơ hội để giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo. Chúng tôi sẽ tập trung chăm sóc tốt để bò sinh trưởng và phát triển thành đàn”.
Anh Sình Pháy SínhThôn Há Đề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Từng là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh Sình Pháy Sính, thôn Há Đề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn là 1 trong 530 hộ gia đình người DTTS thuộc diện hộ nghèo của xã Sính Lủng đã được thụ hưởng chính sách đặc thù, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Khi được thôn thông báo nằm trong đối tượng thụ hưởng của dự án, gia đình anh Sính đã tu sửa lại chuồng trại và trồng thêm cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi.
Anh Sình Pháy Sính chia sẻ: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ vốn mua bò giống nuôi để phát triển kinh tế, tôi coi đây là cơ hội để giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo. Chúng tôi sẽ tập trung chăm sóc tốt để bò sinh trưởng và phát triển thành đàn”.
Còn với huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, ngay từ cuối năm 2023, địa phương này đã xây dựng các tổ nuôi bò, dê sinh sản tạo sinh kế giúp nhiều hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập.
Cùng với 10 hộ dân trong buôn, vợ chồng chị H’Nghim Triết, ngụ buôn Ea Đrai A, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc được hỗ trợ 1 con bò sinh sản để phát triển kinh tế theo Chương trình MTQG 1719.
Chị H’Nghim chia sẻ: Đến giờ, bò sinh sản được 1 con bê, gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt bò phát triển thành đàn, tạo cho gia đình nguồn thu nhập ổn định, đây cũng chính là cơ hội để gia đình tôi dần bước ra khỏi diện hộ nghèo.
Diện tích cỏ được gia đình chị Bàn Thị Hoa, thôn Lâm, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang trồng để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu. (Ảnh minh họa)“Bệ đỡ” giúp đồng bào thoát nghèo
Với Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn 362 con bò, 48 con dê. Đồng thời, các cấp chính quyển, ngành chức năng huyện còn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ thuộc dự án với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng.
Tại tỉnh Cao Bằng, địa phương này hiện đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, vì đây là nội dung có thể gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã thẩm định được 8 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm: Dự án cây Ớt tại 2 huyện Hà Quảng, Hoà An; dự án cây Ngô sinh khối tại 2 huyện Quảng Hoà, Thạch An; dự án cây Lê, dự án cây Thuốc lá, dự án cây Hồi, Quế ở huyện Trùng Khánh; dự án cây Gừng trâu, dự án cây Gai xanh ở huyện Hạ Lang; dự án cây Hồi, Quế ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm.
Qua triển khai thực hiện Dự án 3 tại các địa phương, có thể nhận thấy, việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đang từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp của đồng bào DTTS. Đặc biệt, việc hỗ trợ giống vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững. Các hộ được hỗ trợ con giống đều phấn khởi, trách nhiệm chăm sóc, xem đây là nguồn lực chính cho gia đình phát triển kính tế - xã hội, để thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 đã và đang đi vào những thời điểm nước rút. Tới đây, Trung ương sẽ họp để tổng kết, đánh giá về những kết quả, bài học knh nghiệm trong triển khai Chương trình, làm cơ sở để tiếp tục thực hiện Chương trình trong những năm tiếp theo với những hình thức thực hiện linh hoạt, sáng tạo hơn. Người dân nghèo, đồng bào DTTS sẽ còn được tiếp cận với nhiều hơn những mô hình hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị. Và những mô hình đó được kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát nghèo bền vững.