Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng Then trên các buôn làng Tây Nguyên

PV - 10:03, 13/02/2019

Khi những người Tày, Nùng di cư từ miền Bắc vào Tây Nguyên, đặc biệt là tới tỉnh Đăk Nông, họ đã mang theo tiếng đàn Tính cùng những điệu hát Then để làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở nơi vùng đất mới. Không những thế, ngày Xuân, họ còn mang làn điệu Then đi giao lưu với một số buôn làng khiến cuộc sống trở nên tươi vui, đoàn kết hơn.

Kết nối cộng đồng

Thay lời chào khách đến chơi Xuân, Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hưu (Dân tộc Tày, gốc Cao Bằng, hiện là Chủ nhiệm CLB hát Then Nam Dong, huyện Cư Jut, Đăk Nông) hát vang bài “Mùa Xuân đất nước”. Bao năm nay, ông Hưu dùng chính tiếng hát Then để kết nối các buôn làng với nhau.

Nghệ nhân Nông Văn Hưu hát Then chào khách. Nghệ nhân Nông Văn Hưu hát Then chào khách.

Để vun đắp cuộc sống trên quê mới, những nghệ nhân như Nông Văn Hưu đã kêu gọi một số buôn làng ở Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng lập nên các nhóm hát then, cùng thi thố trong những ngày Tết. Đó cũng là lúc trải lòng, trao đổi cho nhau những kiến thức, những mô hình xây dựng đời sống mới. Chẳng mấy chốc, đàn Tính, hát Then như mạch nước mát trong đi vào lời ru trẻ thơ, theo chân các hòa giải viên, hiện hữu trong đời sống vợ chồng để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hằn in vẹn nguyên trong ký ức, nghệ nhân Nông Văn Hưu nhớ rõ, cỡ chục năm trước, có hôm nhà chật cứng người, phụ nữ người Tày, Nùng lẫn Ê-đê, M’nông, Cơ-ho từ nhiều xã mang vỏ dừa, cán gỗ đến nhờ tôi làm đàn Tính và xin bản thảo nhiều bài hát Then về tình yêu, hạnh phúc gia đình để hát cho chồng con nghe trong những đêm Xuân, những lúc nhọc nhằn. Có nhà, ban đầu vợ vừa đàn vừa hát nhưng sau đó chồng thích quá giành đàn hát luôn. Tiếng hát vang vọng khắp núi rừng.

Xem tiếng đàn Tính, hát Then như hơi thở cuộc sống suốt hơn nửa thế kỷ, nghệ nhân Nông Văn Hưu nghiệm ra, tiếng đàn cũng như tiếng lòng người vậy. Trong hơn 200 điệu Then ông Hưu đã sáng tác thì tất cả đều chứa năng lượng tích cực trong từng câu chữ.

Ông Hưu cùng các nghệ nhân khác luôn tâm niệm; Phải dùng chính cái đẹp, cái tình, cái nghĩa để đánh bay cái xấu. Đàn Tính được coi là Thiên cầm tức cây đàn được trời ban cho, nó quyện vào điệu Then để làm sứ mệnh xây dựng cuộc sống tươi vui như chính những ngày Xuân vậy. Những người học đàn Tính, hát Then cũng nghĩa là học thêm cái đức độ, cái nhã nhặn trong sự đối đãi giữa các gia đình, các dân tộc với nhau.

Xóa tan những nhọc nhằn

Lệ thường, từ 25 tháng 12 âm lịch là các bài Then ca ngợi mùa Xuân đất nước đã vang rền khắp nơi như xóa tan đi mọi nhọc nhằn. Đến nay đã có trên 100 người Tày, Nùng, Ê-đê… thuộc vài chục điệu hát Then để có thể truyền dạy cho người thân của mình.

Thấm đẫm vào đời sống như một lẽ tự nhiên, bao năm nay, mỗi ngày không đi truyền dạy miễn phí và biểu diễn hát Then vài tiếng là bà Đàm Thị Tuyên, Phó Chủ nhiệm CLB hát Then Nam Dong đứng ngồi không yên. Giãi bày lòng mình bằng chính điệu Then, bà Tuyên hát: “Đất nước yêu thương, lòng người rộn rã/ Người bên người hãy biết thương nhau…”.

Theo chân những người Tày, Nùng đi làm kinh tế mới, hát Then giờ đây đã lan tỏa trên nhiều miền đất nước trong đó có khu vực Tây Nguyên. (Ảnh minh họa) Theo chân những người Tày, Nùng đi làm kinh tế mới, hát Then giờ đây đã lan tỏa trên nhiều miền đất nước trong đó có khu vực Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)

Từ những xóm nhỏ, những đêm hội ngày Xuân, tiếng đàn Tính, hát Then ở Nam Dong còn vươn đi khắp nơi. Và, bài Then “Khúc tâm tình Đăk Nông” do CLB hát Then Nam Dong dàn dựng, khổ luyện, biểu diễn đã giành giải B tại Liên hoan đàn Tính toàn quốc lần 2 tổ chức tại Cao Bằng. Bài Then này do chính ông Hưu sáng tác. Nhiều câu hát trong bài được các tầng lớp Nhân dân thuộc lòng như: Cùng cất cao lời Then/ Giữa bạt ngàn xanh xanh hùng vĩ/ Núi rừng ta lặng lẽ đơm hoa/ Lời non nước đậm đà xao xuyến/ Nghe bồi hồi thương mến ai ơi… Mời anh đến như là để nhớ/ Mời chị qua khỏi lỡ người quen/ Khúc tâm tình vang lên vang mãi…

Từng mang chính những câu hát Then đi hòa giải hàng trăm vụ mâu thuẫn trên địa bàn Đăk Nông trong mùa Xuân, nghệ nhân Nông Thị Ôn tâm tình: Có người không nhìn mặt nhau đã mấy tháng nhưng khi ngồi lại cùng nghe xong vài bài Then là bắt tay hòa giải ngay. Cũng từ những bài Then, nhiều nam thanh, nữ tú đã kết duyên nhau thông qua những đêm hội.

Ông Bùi Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Dong, tự hào: Đây là vùng đất quy tụ hàng chục thành phần dân tộc, trong đó có gần 3.000 người Tày, Nùng từ miền Bắc vào. Hát Then như “đại sứ” đặc biệt kết nối cộng đồng với nhau, không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng ở địa phương. Từ Nam Dong, phong trào hát Then đã lan đi khắp các huyện lân cận như; Krông Nô, Đác Min… các CLB hát Then góp phần làm cho cuộc sống trở nên phong phú sắc màu, đậm đà tình nghĩa và tươi vui ấm cúng. Hát Then đã thổi thêm luồng gió mới vào đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên cao nguyên này.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.