Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thông tin, tuyên truyền về vùng DTTS và miền núi: Đối tượng đặc thù phải có giải pháp đặc thù

Thuý Hồng - 18:13, 24/02/2022

Tuyên truyền là một nhiệm vụ chính trị cần được tiến hành song song, thường xuyên, liên tục và được xác định giữ vai trò không thể thiếu với quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên truyền đã có nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thông tin và gợi mở ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc, nâng cao nhận thức của đồng bào tự lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Niềm vui của đồng bào DTTS khi đọc báo Dân tộc và Phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại Hà Nội
Niềm vui của đồng bào DTTS khi đọc Báo Dân tộc và Phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại Hà Nội

Vai trò quan trọng trong thực hiện các chính sách

Lâu nay, để các chính sách đến được với đồng bào, đi vào đời sống, mang lại những hiệu quả như mục tiêu đặt ra, công tác thông tin, tuyên truyền được xác định giữ vai trò không thể thiếu. Đặc biệt, thực hiện mục tiêu tăng cường công tác thông tin phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị - kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi, ngày 31/12/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1637/QĐ-TTg về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS.

Đến nay, sau hơn 20 năm, các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho vùng đồng bào DTTS đã bền bỉ thực hiện vai trò, sứ mệnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt; là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tới các nhà hoạch định chính sách; góp phần vận động để đồng bào hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống quý báu, từ đó gìn giữ, duy trì và không ngừng phát huy…

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng biên tập Báo Công Thương cho biết: Vào đầu những năm 2000, khi mà nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi đa phần còn chưa có điện lưới quốc gia, đi lại khó khăn, tivi, đài phát thanh còn ít, thì các ấn phẩm báo chí được ví như “món ăn tinh thần” quý giá mở lối để bà con có cái nhìn xa hơn, sâu rộng hơn.

“Từ chỗ “đói” thông tin, các cán bộ xã, già làng trưởng thôn, trưởng bản, bí thư, đoàn thanh niên, các hội đoàn thể… của xã đã tiếp cận được với những thông tin thuộc nhiều lĩnh vực thông qua những trang báo, những cuốn chuyên đề được xây dựng dành riêng cho đối tượng là đồng bào DTTS. Qua đó, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã đến được với đồng bào, đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, làm kinh tế giỏi…

Công tác truyên truyền của các cơ quan truyền thông về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã bao trùm trên nhiều lĩnh vực như: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Đánh giá và nhìn nhận về vai trò của truyền thông đối với công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại cho rằng: Để các chính sách đến được với đồng bào, đi vào đời sống, mang lại những hiệu quả như mục tiêu đặt ra, công tác tuyên truyền tiếp tục được xác định giữ vai trò không thể thiếu.

“Nói cách khác, tuyên truyền là một nhiệm vụ chính trị cần được tiến hành song song, thường xuyên, liên tục với quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Thắng nhấn mạnh.

Mỗi bài báo phải thực sự là tiếng nói tâm huyết, giá trị

Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của đời sống xã hội đã kéo theo những thay đổi trong các phương tiện nghe nhìn cũng như cách thức cập nhật thông tin - không chỉ với khu vực thành thị, mà ngay cả với đồng bào DTTS ở các bản làng vùng sâu, xa.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan báo chí tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc phải có đổi mới, sáng tạo trong cách thông tin, để vừa bảo đảm tôn chỉ mục đích hoạt động, vừa tác động tích cực tới cách nghĩ, cách làm của đồng bào; từ đó góp phần tuyên truyền để các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông” do Uỷ ban Dân tộc tổ chức vào tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, rất nhiều lãnh đạo các cơ quan truyền thông đã nêu quan điểm: Để có được những bài báo chất lượng, quan trọng nhất là tuyển chọn được phóng viên đam mê với nghề, am hiểu về đời sống đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, với đối tượng bạn đọc là đồng bào DTTS, việc tuyên truyền phải bám sát phương châm “đối tượng đặc thù phải có giải pháp đặc thù”.

Bên cạnh đó, để các phóng viên biết, hiểu rõ và hiểu đúng về các chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân tộc cần có các buổi tổ chức tuyên truyền chính sách, tập huấn cho các phóng viên. Thậm chí cần có những chương trình trải nghiệm thực tế để các phóng viên có thể tiếp cận sâu với các vấn đề, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để mỗi bài báo thực sự là tiếng nói tâm huyết, giá trị trong việc truyền tải nội dung chính sách dân tộc.

Tại Hội thảo, còn có rất nhiều ý kiến nhấn mạnh, thời gian tới, để thực hiện Dự án số 10 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi 2021-2025 (Dự án Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi), các cơ quan báo chí tham gia thực hiện cần tiếp tục đổi mới về chất lượng, cách thức tiếp cận bạn đọc. Trong đó, vừa phải đặt các ấn phẩm báo in trong mối quan hệ với báo nói, báo hình, báo mạng; vừa phát huy tốt nhất thế mạnh riêng có của báo in...