Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thu hút đầu tư ở miền núi Thanh Hóa: Chưa được như kỳ vọng

Quỳnh Trâm - 09:09, 16/09/2020

Cùng với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi của tỉnh. Nhờ đó, đã thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này.

Thủy điện Hồi Xuân tại Quan Hóa là một trong những dự án ở các huyện miền núi vẫn chưa phát huy hiệu quả sau nhiều năm chậm tiến độ
Thủy điện Hồi Xuân tại Quan Hóa là một trong những dự án ở các huyện miền núi vẫn chưa phát huy hiệu quả sau nhiều năm chậm tiến độ

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, ở khu vực miền núi của tỉnh hiện có 21 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích hơn 643ha. Với nhiều hình thức kêu gọi xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận nhu cầu của nhà đầu tư, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết, thiết thực theo từng dự án, các địa phương miền núi của tỉnh đã từng bước thu hút được các nhà đầu tư với quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và giải quyết công tác xóa nghèo bền vững.

Như ở Cẩm Thủy, huyện đã chú trọng công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nhờ đó, hiện toàn huyện đã có trên 200 DN, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 3.000 lao động, đóng góp gần 30% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện. 

Còn huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều cơ chế mở, đồng thời thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường trao đổi, đối thoại với các DN, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho DN... Từ đó đã thu hút được trên 300 DN vào đầu tư sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tạo việc làm cho gần 13.000 lao động, thu nhập bình quân hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Phạm Trọng Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy Thạch Thành nhận định, phát triển kinh tế trang trại, gia trại được xem là hướng đi phù hợp để khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào ở huyện miền núi. Đơn cử như Dự án Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao, an toàn tại xã Thạch Tượng, do Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi New Hope Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai trên diện tích 112,5ha, có quy mô 500.000 con/năm, với tổng mức đầu tư 50 triệu USD. Tháng 4/2020, Dự án hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào hoạt động với 1.200 con lợn giống và cuối năm 2020 sẽ hoàn thành giai đoạn 2. 

Ngoài ra, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa tại xã Thạch Lâm và Thạch Tượng. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn sau khi đi vào hoạt động. 

Nhận định nông nghiệp, chăn nuôi là lợi thế của địa phương, huyện Như Thanh thời gian qua cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực này. Có thể kể đến Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa Thanh Hóa 2 của Công ty Sữa Việt Nam tại xã Phú Nhuận, trên diện tích hơn 34 ha, vốn đầu tư 224 tỷ đồng Dự án có quy mô 2.000 con bò sữa. Sau 6 năm hoạt động, năng suất sữa bình quân đạt 29,2 lít/con/ngày, tổng sản lượng toàn trang trại đạt hơn 58.000 lít/ngày. 

Nhờ Dự án, hàng nghìn hộ dân của các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi bò sữa cho Công ty. Theo đó, gần 300ha đất bị hoang hóa ở các địa phương đã được người dân tận dụng trồng ngô để bán cho Công ty làm thức ăn chăn nuôi, mang lại thu nhập từ 90 - 110 triệu đồng/ha, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Bên cạnh những điểm sáng, thu hút đầu tư miền núi vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt như kỳ vọng. Đến nay, dù tỉnh đã quy hoạch được 21 CCN, với diện tích hơn 643ha trên địa bàn các huyện miền núi. Nhưng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này hiện vẫn thấp, như: CCN Vân Du, huyện Thạch Thành đạt tỷ lệ 16,62%, CCN Khe Hạ, huyện Thường Xuân đạt tỷ lệ 5%, cụm công nghiệp Điền Trung, huyện Bá Thước đạt tỷ lệ 11%... 

Nguyên nhân xuất phát từ hạ tầng kinh tế yếu, đặc biệt các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa tại trung tâm các xã, thôn, bản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Chất lượng lao động tại miền núi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ngoài ra chính sách ưu đãi đầu tư cũng chưa đủ sức hấp dẫn DN đến với miền núi. Đây là những rào cản cần sớm tháo gỡ để công tác thu hút đầu tư ở miền Tây xứ Thanh sẽ khởi sắc hơn.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.