Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thu nhập tiền tỷ từ mô hình nuôi cá tầm ở vùng cao Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 15:31, 14/02/2022

Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dừng hoạt động. Tuy nhiên, tại xã Sơn Điện, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hoá) có một mô hình kinh doanh gần như không chịu ảnh hưởng nhiều bởi những biến động của nền kinh tế trong đại dịch.

Anh Phạm Ngọc Thanh là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cá tầm ở huyện miền núi Quan Sơn
Anh Phạm Ngọc Thanh là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cá tầm ở huyện miền núi Quan Sơn

Từ ý tưởng táo bạo

Đó là mô hình nuôi cá tầm trong nước lạnh của anh Phạm Ngọc Thanh (SN 1989, dân tộc Thái), ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, Thanh Hoá.

Anh Phạm Thanh sinh ra ở tỉnh Yên Bái. Sau khi tốt nghiệp sư phạm Thể dục Thể thao, anh kết hôn với người bạn học cùng là chị Lương Thị Lực, dân tộc Thái ở vùng núi Quan Sơn. Sau khi kết hôn vì cuộc sống gia đình, năm 2015, anh đành chia tay với nghề giáo, bàn với vợ, rẽ hướng lập nghiệp mở xưởng tăm tại quê hương vợ, nơi có nguồn nguyên liệu luồng, vầu phong phú.

Trong một lần cùng dân làng Xuân Sơn đi tắm suối, nhận thấy nước suối Sủa mát lạnh quanh năm, khoảng 23 độ ổn định, sẵn có kinh nghiệm từng giúp người họ hàng nuôi cá tầm ở Sa Pa, anh nảy ra ý định mang giống cá tầm về đây nuôi thử.

Ý tưởng của anh được vợ ủng hộ, năm 2019, từ nguồn vốn tích góp được sau những năm làm xưởng tăm, vay mượn thêm chút ít, vợ chồng anh Thanh bắt tay vào cải tạo hệ thống bể nước, làm mương dẫn nước suối về.

Giai đoạn đầu tiên, công việc gặp rất nhiều khó khăn, vì khu vực anh Thanh chọn để nuôi cá, là khu ruộng Hôn Hoong ở sâu trong lòng núi. Để thực hiện được ý tưởng, vợ chồng anh Thanh đã hì hục gánh từng viên gạch, bao xi măng, bao cát trên con đường núi đầy khó nhọc.

Anh Thanh chia sẻ, cá tầm là giống cá vô cùng khó tính. Để mang được giống cá về cũng là một hành trình khó khăn, cần phải bảo đảm phương tiện và kỹ thuật mới có thể bảo đảm an toàn. Dù vậy, chuyến cá giống đầu tiên cũng được đưa về bể nuôi với khoảng 1.000 con.

Ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên đàn cá chết nhiều. Song, không nản chí, anh tìm sách để đọc, học hỏi những người có kinh nghiệm để chăm sóc và cứu đàn cá. “Cuối cùng, trời không phụ lòng người, đàn cá không bị chết nữa mà sinh trưởng rất nhanh. Nhiệt độ và không khí ở đây rất phù hợp với loài cá này, tôi nhận thấy chúng thậm chí còn lớn nhanh hơn nuôi ở Sa Pa”, anh Thanh phấn khởi chia sẻ.

Nối tiếp sự thành công của lứa cá đầu tiên, anh Thanh quyết định xây thêm bể và nhập thêm con giống. Đến lứa nuôi thứ hai thì tỷ lệ sống gần như 100%, tốc độ tăng trưởng nhanh, cá cho cân nặng khoảng 2 - 4 kg/con.

Quyết định táo bạo của anh Thanh bước đầu mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình
Quyết định táo bạo của anh Thanh bước đầu mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình

Thành công ngoài mong đợi

Hiện, trại nuôi của anh có khoảng 10 tấn cá đang chuẩn bị xuất bán. Với giá bán ra thị trường trung bình từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg, anh Thanh dự kiến thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài cá tầm, hiện anh còn nuôi thử nghiệm thêm cá hồi.

Theo anh Thanh, điều quan trọng nhất của việc nuôi cá tầm là thiết kế ao nuôi sao cho hệ thống nước tuần hoàn, cung cấp oxy liên tục cho cá, nước từ suối chảy vào bể rồi lại từ bể chảy ra ngoài, đảm bảo luôn sạch và có dòng chảy nếu không cá dễ mắc bệnh và chết. Nguồn nước phải luôn duy trì nhiệt độ thích hợp từ 18 - 23 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn thì cá sẽ tích mỡ, chậm lớn, còn cao hơn thì cá không phát triển được.

Bên cạnh đó, người nuôi cần đặc biệt chú trọng đến độ sâu của bể, độ lạnh của nước, đảm bảo nguồn thức ăn có chất lượng tốt.

Anh Thanh chia sẻ: “Đầu tư loài cá này không ít vốn, kỹ thuật cũng yêu cầu cao. Khi cá còn nhỏ, tôi phải cho ăn cách nhau 2 tiếng. Cá hoạt động về đêm nên phải thức canh để cho cá ăn. Khi cá lớn thì tần suất ăn giảm xuống. Dù vất vả, nhưng kết quả thu được rất khá. Tôi dự tính sang năm doanh thu có thể lên tới 10 tỷ đồng. Hiện nay, thị trường đang đón nhận rất tốt, ngoài cá tầm, tôi còn nuôi thử nghiệm thêm cá hồi”, anh Thanh chia sẻ.

Với sự nhanh nhạy và mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế của mình, anh Thanh đã thành công với mô hình nuôi cá tầm. Đặc biệt, việc nuôi cá tầm không chỉ mang lại nguồn thu nhập tiền tỷ cho gia đình anh, tạo được việc làm cho 18 lao động địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng... mà đang tác động đến rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn về việc nếu chịu khó học hỏi, thay đổi tư duy, mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế từ việc khai thác lợi thế ngay tại nơi mình sinh sống, thì có thể thoát nghèo, làm giàu...

Ông Lương Tiến Thành, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, anh Thanh là người tiên phong nuôi cá tầm trên địa bàn huyện. Tiềm năng nuôi cá tầm trên địa bàn huyện rất lớn, bởi lợi thế nguồn nước suối dồi dào, nhiệt độ lạnh quanh năm. Nếu tận dụng được thì sẽ là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập cho người dân.

“Vì nuôi cá tầm cần nguồn vốn nên hiện nay người dân địa phương chưa nhân rộng được, địa phương rất mong sẽ có thêm những doanh nghiệp quan tâm đầu tư để phát huy tiềm năng sẵn có”, ông Thành nói.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.