Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam.
Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, cùng lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo cấp huyện, cấp xã của các địa phương này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định thông qua việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân; phối hợp với các nước, tổ chức có liên quan để xử lý; đẩy mạnh nuôi trồng thủy hải sản để hạn chế đánh bắt.
Thời gian qua, chính quyền các cấp cũng đã tích cực vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, thực thi pháp luật; nhờ đó đã đạt nhiều kết quả tích cực, các vi phạm giảm dần. Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần giải quyết trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự hội nghị tập trung đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, chỉ ra bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ đã và đang được thực hiện, đồng thời thuyết phục phía EC; khẳng định trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, trách nhiệm với môi trường và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tạo sinh kế, việc làm cho người dân, đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức người dân.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chống khai thác IUU, gỡ "thẻ vàng" của EC, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã giao cụ thể nội dung, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được cho từng bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện.
Sau 03 đợt thanh tra của EC, kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến; tuy nhiên vẫn còn những nhiệm vụ chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 trong tháng 10/2023.