Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng: Hòa Bình cần phát triển về phía Đông tận dụng thị trường hơn 8 triệu dân

PV - 21:13, 10/01/2021

Tiếp tục chương trình công tác, chiều nay, 10/1, tại Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, Hòa Bình hội tụ đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” để phát triển. Do đó tỉnh cần phát triển về hướng Đông, tận dụng lợi thế thị trường rộng lớn, trực tiếp, đó là Thủ đô Hà Nội với trên 8 triệu dân.

Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, tỉnh có 86 vạn người thì có 74% là dân tộc thiểu số, trong đó người Mường chiếm 63%. Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, năm 2020, tỉnh có 17/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 3,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 64,5 triệu người/năm. Thu ngân sách đạt 4.500 tỷ đồng, bằng 102% dự toán Thủ tướng giao. Lũy kế đến nay 2020, tỉnh có 600 dự án đầu tư, 4.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ che phủ rừng cao, đạt 51,5%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng địa phương vừa có công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng khởi công sáng nay ngay sau Đại hội lần thứ XVII của tỉnh, cho rằng đây là khởi đầu tốt cho năm 2021 và những năm tiếp theo để giành thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội đề ra.

Từ kết quả đạt được của năm 2020, trong đó tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng cả nước, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quý báu để đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn. Theo đó, cần khai thác tiềm năng, lợi, nhất là Hòa Bình là 1 trong số 9 tỉnh vùng Thủ đô, tiếp giáp Hà Nội, hội tụ đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” để phát triển.

“Đầu năm đi xông đất tỉnh Hòa Bình, một địa phương nhiều lợi thế nhưng gặp nhiều khó khăn, các đồng chí đã vươn lên mạnh mẽ, một địa phương “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Tỉnh có thị trường rộng lớn, trực tiếp, đó là Thủ đô Hà Nội với trên 8 triệu dân. Lợi thế này nơi khác khó có được. Chúng ta phải gắn phát triển về hướng Đông, tận dụng thị trường này. Mâm cơm của người dân Hòa Bình, mâm cơm của người dân Hà Nội phải có sản phẩm rất quan trọng của người dân Hòa Bình làm ra” - Thủ tướng nêu rõ.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hòa Bình, như chưa thực sự tận dụng tốt vị trí địa lý là cửa ngõ của Thủ đô. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, nhất là nông nghiệp còn chậm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn và xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Du lịch phát triển nhưng chưa phát huy được lợi thế, chưa tạo sức hút đối với du khách. Quy hoạch chưa đồng bộ, còn chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng chưa được các dự án lớn, mang tính động lực để tạo sự chuyển biến trong phát triển. Các chỉ số phát triển doanh nghiệp nằm trong nhóm thấp của cả nước, chỉ có 27 doanh nghiệp/1.000 dân, bằng 1/3 cả nước.

Về định hướng lớn trong phát triển thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tỉnh Hòa Bình: “Tỉnh cần tiếp tục khắc phục khó khăn. Tỉnh nào cũng đang chuyển biến nhưng còn khó khăn. Thứ hai là tinh thần tự lực, tự cường phải đặt ra trong toàn Đảng bộ. Nếu không có tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thì không có tỉnh nào, đất nước nào phát triển được. Đi liền với đó là vận dụng nhiều nguồn lực để phát triển, thậm chí nhiều năm để phát triển. Cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc, miền núi phải làm 10 năm liên tục thì mới phát triển mạnh mẽ, chứ không phải Nghị quyết 88 của Quốc hội chúng ta làm được hết tất cả trong 1 năm.

Chúng ta cần bình tĩnh vận dụng mọi nguồn lực đất đai, các nguồn lực khác. Cũng như chúng ta nếu có môi trường tốt, thu hút tốt, có nhiều doanh nghiệp vào đây, chúng ta sẽ tự cân đối được ngân sách. Còn không chúng ta nhận trợ cấp ngân sách suốt thôi”.

Trước bối cảnh dịch bệnh toàn cầu rất phức tạp, nguy cơ đe dọa đến nước ta, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình phải cùng cả nước tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”. Cùng với đó là thực hiện tốt các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch, đảm bảo tuân thủ pháp luật; khẩn trương lập quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh cần điều chỉnh lại quy hoạch gắn với đô thị Hà Nội, phát triển theo hướng Đông. Tập trung phát triển đô thị, nâng cấp và mở rộng các đô thị đã có gắn với trung tâm thương mại và đầu mối giao thông. Quy hoạch dân cư phải thuận lợi cho phát triển cũng như đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai.

Với lợi thế của Hòa Bình, nhất là văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú, Thủ tướng cho rằng, cần đưa du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển. Tỉnh cần chú trọng phát triển rừng, nhất là rừng trồng nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Đi liền với đó là tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cần chú trọng phát triển nông nghiệp trang trại quy mô lớn gắn với chế biến; phát triển nông nghiệp sạch. Đặc biệt cần huy động tổng hợp mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới vào năm 2025, từ đó giải quyết các xã khó khăn hiện nay./.