Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thừa Thiên - Huế: Phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS

Minh Thứ - Bá Trí - 10:44, 02/12/2019

Thừa Thiên - Huế có 46 xã miền núi có đồng bào DTTS, với trên 54.350 người gồm các dân tộc Tà Ôi , Cơ-tu, Bru - Vân Kiều, Hoa, Mường, Thái và Thổ. Địa phương đang phấn đấu đến năm 2024, vùng DTTS có thu nhập bình quân đầu người đạt 40 - 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%.

Kinh tế phát triển ổn định, các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở Thừa Thiên - Huế được giữ gìn, phát huy
Kinh tế phát triển ổn định, các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở Thừa Thiên - Huế được giữ gìn, phát huy

Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Xã A Ngo (A Lưới) có 877 hộ, với 3.567 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tà Ôi chiếm trên 80%. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017, địa phương đã lồng ghép nguồn vốn từ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thành các hạng mục công trình trong dự án khu tái định cư Khe Bùn thuộc chương trình “Di dân, định canh, định cư cho đồng bào DTTS”. Theo đó, nhiều công trình bức thiết của dự án như đường dân sinh, lưới điện hạ thế, hệ thống nước sạch, kênh mương nội đồng... được chính quyền xã ưu tiên thực hiện, với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng.

Chị Hồ Thị Nghệ ở xã A Ngo, cho biết: “Nhờ cán bộ các cấp quan tâm chăm lo, sau một thời gian định cư ở đây, đồng bào được hỗ trợ xây nhà tái định cư, làm đường, cấp đất sản xuất… nên bà con có cuộc sống ổn định hơn”.

Lồng ghép vào Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chính sách xóa nhà tạm, Chương trình 134, 135, 160... được xã A Ngo triển khai hiệu quả. Tất cả các thôn đều có lưới điện quốc gia, trạm truyền thanh, các trường học xây dựng khang trang. Xã có bưu điện văn hóa, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa 100%.

Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% vào năm 2015, dự kiến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của A Ngo chỉ còn khoảng 4,7% (42 hộ); 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã đã ra khỏi Chương trình 135, đưa địa phương lên vị trí Top đầu trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới.

Nâng cao thu nhập

Giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương đang tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Theo đó, các xã đề xuất chủ yếu hỗ trợ giống cây trồng như lúa, ngô lai, cây keo phục vụ trồng rừng, phân bón và hỗ trợ giống bò, lợn, gia cầm... Dưới sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, sự phối hợp của Ban Dân tộc tỉnh, các mô hình nhóm hộ sản xuất, nuôi, trồng tập trung được hình thành với kết quả khả thi giúp đồng bào các địa phương có thu nhập ổn định.

Theo ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn DTTS toàn tỉnh từ 2014 - 2019 đã đạt hơn 51 tỷ đồng, với hơn 5.930 hộ được hưởng lợi. Từ nguồn vốn, nhiều tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chuyển giao cho đồng bào DTTS, làm thay đổi tập quán từ sản xuất quảng canh sang thâm canh, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm ngày càng tăng. Đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm mang tính hàng hóa như cao su, sắn công nghiệp; cam, chuối, bò, heo, dê thương phẩm…

Điều đáng ghi nhận là, các ban, ngành, địa phương đã áp dụng nhiều giải pháp giảm nghèo, tăng thu nhập cho Nhân dân. Ngoài chuyển giao kỹ thuật như lâu nay, việc chú trọng đào tạo nghề gắn với hoạt động của các doanh nghiệp, chủ trang trại sản xuất nông - lâm nghiệp trong và ngoài địa bàn, là yếu tố tăng khả năng giải quyết việc làm, đảm bảo nguồn nhân lực lao động qua đào tạo có chất lượng, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh.