Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thuận Châu (Sơn La): Người có uy tín phát huy vai trò “cánh chim đầu đàn”

Anh Đức - Trần Hiền - 08:21, 01/12/2024

Với trách nhiệm, kinh nghiệm của mình, những Người có uy tín trên địa bàn huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua phát triển kinh tế. Góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự, phát huy vai trò là những “cánh chim đầu đàn” trong cộng đồng các dân tộc.

Lãnh đạo xã Long Hẹ (huyện Thuận Châu) trao đổi với ông Vàng Đà Tú (thứ 2 từ phải qua trái) - Người uy tín bản Long Hẹ.
Lãnh đạo xã Long Hẹ (huyện Thuận Châu) trao đổi với ông Vàng Đà Tú (thứ 2 từ phải qua trái) - Người uy tín bản Long Hẹ

Hiện nay, các tuyến đường nội bản của bản Củ, xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu) được mở rộng, đổ bê tông kiên cố. Xe ô tô của thương lái đến tận khu vực sản xuất để thu mua nông sản cho người dân. Kết quả đó có một phần công lao của ông Lò Văn Sáng, Người có uy tín của bản. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Người có uy tín, ông Sáng tích cực đi đầu trong các phong trào của địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, ông cùng Chi bộ, Ban Quản lý bản đưa ra bàn bạc công khai, minh bạch các nội dung, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo đồng thuận trong Nhân dân. Gia đình ông tự nguyện hiến 50m2 đất làm đường giao thông nội bản.

Ông Cà Văn Yên, bản Củ, xã Tông Lạnh, chia sẻ: Được ông Sáng và Ban Quản lý bản tuyên truyền, gia đình tôi tự nguyện hiến đất, dịch chuyển hàng rào làm đường giao thông nội bản. Giữ gìn vệ sinh chung, hằng tuần, người dân cùng nhau dọn vệ sinh, chăm sóc tuyến đường hoa.

Huyện Thuận Châu tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc
Huyện Thuận Châu tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc

Ở xã vùng cao Long Hẹ, nơi có 964 hộ thuộc 6 dân tộc sinh sống ở 11 bản; trong đó, dân tộc Mông chiếm 65,46%. Trước đây, còn tồn tại nhiều hủ tục, như thách cưới cao, người chết để trong nhà nhiều ngày, tổ chức ăn uống tốn kém... Xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, những Người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ ở xã đã tiên phong thực hiện trước, tuyên truyền, vận động người dân làm theo. Ông Vàng Đà Tú, Người uy tín bản Long Hẹ, xã Long Hẹ, nói: Thuyết phục người dân làm theo, bản thân Người có uy tín phải luôn gương mẫu trong chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện bản cam kết "5 có, 5 không" trong đồng bào dân tộc Mông.

Hiện nay, huyện Thuận Châu có 334 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, chủ yếu là già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, cán bộ nghỉ hưu. Đây là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đồng thời, đi đầu trong các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", xây dựng nông thôn mới; vận động người dân phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Thuận Châu Lò Văn Quý, cho biết: Những Người có uy tín có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp, thuyết phục, vận động quần chúng, góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp ở cơ sở. Họ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là chỗ dựa tinh thần cho đồng bào các DTTS. Hằng năm, huyện duy trì tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng Người có uy tín tiêu biểu; thăm và tặng quà dịp lễ, Tết; tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Thực hiện kịp thời, đúng quy định các chế độ chính sách đối với Người có uy tín.

Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, hằng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh, huyện, công tác hòa giải ở cơ sở, các chính sách dân tộc cho Người có uy tín tại các bản, tiểu khu. Ngoài ra, đội ngũ Người có uy tín còn được cấp các ấn phẩm báo, tạp chí, như: Báo Sơn La, Tạp chí Dân tộc và miền núi... để cập nhật kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN).

"Đồng thời, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Thuận Châu thường xuyên tổ chức thăm hỏi, gặp gỡ, tiếp đón, tặng quà nhân ngày lễ, Tết truyền thống, hỗ trợ vật chất, tinh thần khi ốm đau; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với Người có uy tín. Thông qua việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín đã kịp thời động viên, khích lệ Người có uy tín phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở và là những tấm gương tiêu biểu, để đồng bào DTTS tin tưởng, nghe và làm theo", Trưởng phòng Dân tộc huyện Thuận Châu Lò Văn Quý, cho biết thêm.

Có thể nói, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện Thuận Châu xứng đáng là những "cánh chim đầu đàn" trong cộng đồng. Tiếp tục phát huy những phẩm chất đạo đức, uy tín, vai trò, trách nhiệm của mình, là cầu nối quan trọng của các cấp ủy, chính quyền huyện trong việc vận động con cháu, gia đình, làng bản tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống thốt đẹp của các dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, dòng họ, Nhân dân thôn bản. Góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở các địa phương, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong năm 2024, huyện đã tổ chức các hội nghị phổ biến cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho 195 đại biểu là Người có uy tín. Tổ chức thăm tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho Người có uy tín; thăm hỏi Người có uy tín ốm đau và thân nhân của họ qua đời. Tổ chức cho 334 Người có uy tín đi làm việc, giao lưu, gặp mặt, học tập kinh nghiệm một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu tại các huyện: Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Phù Yên và thành phố Sơn La.. Tiếp nhận và cấp tờ báo, tạp chí cho Người có uy tín. Tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2023-2024.

Tin cùng chuyên mục
Bước phát triển mới của các dân tộc còn nhiều khó khăn

Bước phát triển mới của các dân tộc còn nhiều khó khăn

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025, cả nước có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, phân bố chủ yếu trên địa bàn 31 tỉnh. Với các chương trình, chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ, đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn đã có bước phát triển mới.