Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thuận Châu (Sơn La): Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc

Mai Hương - 4 giờ trước

Những năm qua, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm triển khai phát huy hiệu quả nguồn lực từ chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc, qua đó, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng ở những địa bàn khó khăn, tạo sinh kế, giải quyết việc làm..., giúp đồng bào DTTS trên địa bàn thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Từ nguồn vốn Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, hàng nghìn hộ vay được vay vốn, để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương
Từ nguồn vốn Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, hàng nghìn hộ vay được vay vốn, để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Triển khai các chính sách dân tộc đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng

Thuận Châu (Sơn La) là huyện có số xã nhiều nhất tỉnh, địa bàn rộng, trong đó có tới 21/29 xã khu vực III, với 270 bản đặc biệt khó khăn; đồng bào DTTS chiếm trên 94% dân số của huyện. Do vậy, Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc, những năm qua, được cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu đặc biệt quan tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Các chương trình, dự án được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.

Là huyện vùng cao, có 6 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, gồm: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Kháng, La Ha, cấp ủy chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã rà soát, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện từng địa phương, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt đối với vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tích cực tham mưu thực hiện các chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Việc triển khai chiến lược công tác dân tộc ở Thuận Châu thời gian qua đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng DTTS; trong đó, điển hình Dự án 4, dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và Dự án 9, dự án Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Thực hiện giai đoạn 2021-2024, Dự án 4, dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được giao kinh phí 217.587 triệu đồng (trong đó: Vốn đầu tư: 199.705 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 17.882 triệu đồng). Kinh phí giải ngân đến ngày 15/9/2024 là 177.855,8 triệu đồng, bằng 76,71% vốn thực hiện. Kết quả thực hiện đến nay, Dự án 4 đã đầu tư xây dựng 62 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, duy tu, bảo dưỡng 58 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Nhà văn hóa bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu được đầu tư khang trang
Nhà văn hóa bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu được đầu tư khang trang

Ngoài ra, thực hiện Dự án 9, Dự án Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, với kinh phí được giao thực hiện giai đoạn 2021-2024 là 117.549 triệu đồng (trong đó: Vốn đầu tư: 62.610 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 52.436 triệu đồng). Kinh phí giải ngân đến ngày 15/9/2024: 54.270,448 triệu đồng, bằng 46,17% vốn thực hiện. Kết quả thực hiện nay đến nay, đã đầu tư xây dựng 19 công trình cơ sở hạ tầng (gồm: Giao thông: 08; trường học, bếp ăn, nhà bán trú: 04; nhà văn hóa: 01; thủy lợi: 03; điện sinh hoạt: 01; công trình chống sạt lở: 02) trên địa bàn các bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống thành cộng đồng.

Tổ chức hỗ trợ giống vật nuôi cho 646 hộ gia đình dân tộc La Ha; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về phát triển sản xuất và sinh kế cho 504 hộ gia đình dân tộc La Ha được hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế. Hỗ trợ trang thiết bị cho 13 nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa) của 13 bản có đồng bào dân tộc La Ha sinh sống thành cộng đồng. Hỗ trợ dinh dưỡng, khám, tư vấn dinh dưỡng cho 13 bà mẹ dân tộc La Ha mang thai; hỗ trợ 01 bà mẹ dân tộc La Ha thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số.

Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, như: Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình; về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 12 trường THCS trên địa bàn huyện; tổ chức 09 hội nghị tập huấn kỹ năng, kiến thức phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình; về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 521 đại biểu là bí thư chi bộ, phó bí 11 thư chi bộ, trưởng bản, phó trưởng bản, trưởng các ban, ngành, đoàn thể bản và Nhân dân; tư vấn can thiệp, lồng ghép về pháp luật tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 18 xã trên địa bàn huyện.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cung cấp 17 chương trình cho vay ưu đãi các hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, huyện có gần 16.000 hộ được vay vốn, tổng dư nợ đạt trên 840 tỷ đồng.

Cộng đồng xây dựng con đường "Hi vọng" tại Điểm trường bản Po Mậu, Trường tiểu học Co Mạ 1, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La
Cộng đồng xây dựng con đường "Hi vọng" tại Điểm trường bản Po Mậu, Trường tiểu học Co Mạ 1, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách

Ông Lò Văn Quý, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thuận Châu (Sơn La), cho biết: Hàng năm, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện thành lập các tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tổ chức, thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS tại các xã; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, góp phần mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Bằng các nguồn vốn hỗ trợ, từ năm 2023 đến nay, xã Chiềng La đã được đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng công trình nước sạch tại bản Song và Cát Lót; sửa chữa nhà văn hóa bản Cát Lót; đường giao thông bản Song; hỗ trợ 38 con bê cái giống cho các hộ nghèo dân tộc La Ha; thực hiện 4 mô hình trồng cây ăn quả, 3 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tại 6/6 bản của xã....

Chia sẻ về hiệu quả từ thực hiện các chương trình chính sách dân tộc, ông Lò Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng La, thông tin: Từ nguồn hỗ trợ các chính sách dân tộc đã giúp nhiều hộ dân thực hiện cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp giá trị kinh tế cao; đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Xã hiện có 46 ha cây ăn quả, 130 ha cây công nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 3,9%.

Một góc chợ Trung tâm thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, Sơn La
Một góc chợ Trung tâm thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, Sơn La

Cũng từ các chính sách của Trung ương và địa phương, ở Thuận Châu, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được thực hiện tốt; mạng lưới cơ sở vật chất y tế được quan tâm đầu tư. Công tác quản lý, cấp phát, thu đổi thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS, người nghèo, cận nghèo được thực hiện thường xuyên, đảm bảo theo quy định.

Hệ thống trường, lớp học cơ bản được đầu tư kiên cố hóa, trang thiết bị giảng dạy và học tập được cải thiện. Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách về giảm nghèo được huyện Thuận Châu triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân.

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 77,18% đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa; tỷ lệ trường lớp được kiên cố hóa đạt 64,32%; 88,21% số trạm y tế được kiên cố hóa; 99,98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đạt 6,9%, vượt 4% so kế hoạch...

Tổ chức hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.463 hộ nghèo có khó khăn về nước sinh hoạt; hoàn thành đầu tư xây dựng 05 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ làm nhà ở cho 170 hộ nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 390 hộ nghèo thiếu đất sản xuất; hỗ trợ cho vay vốn đối với 124 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, 40 hộ nghèo được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Ông Cà Văn Đôi, dân tộc Khơ Mú ở bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu (Sơn La) là một trong nhiều hộ vay điển hình trong sử dụng nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719. Ông Cà Văn Đôi, chia sẻ: Trước kia, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, là hộ nghèo của xã, ngôi nhà xập xệ, bất an mỗi khi mùa mưa lũ về. Năm 2022, nhờ tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 40 triệu từ Chương trình cho vay nhà ở xã hội từ Nghị định 28 của Chính phủ. Gia đình ông đã khởi công từ tháng 12/2022. Đến tháng 02/2023, gia đình đã hoàn thiện ngôi nhà. Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và sự tích góp của gia đình, đến nay, gia đình ông đã có thể an tâm để sản xuất kinh tế, không lo lắng, bất an khi mưa bão về nữa.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, huyện Thuận Châu (Sơn La) tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, chính sách, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.


Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh chuyển đổi số

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh chuyển đổi số

Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm, kịp thời chỉ đạo các phòng chuyên môn làm tốt công các tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến từng cán bộ, công chức và người lao động đổi mới tư duy, nhận thức của từng đảng viên, công chức và người lao động về chuyển đổi số (CĐS) và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.