Tìm việc cho lao động hồi hương
Là một trong những tỉnh có đông lao động trở về quê sau đợt giãn cách, cũng là tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống đông nhất nước, các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh cho người dân. Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn không đứng ngoài cuộc, mà phải hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (NLĐ).
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Sóc Trăng, đến cuối tháng 11, Sóc Trăng đã hỗ trợ 140.000 lao động, kinh phí thực hiện trên 235 tỷ đồng (trong đó, lao động tự do được hỗ trợ 89.575 người, số tiền chi gần 140 tỷ đồng), đã góp phần hỗ trợ NLĐ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, linh hoạt thích ứng với trạng thái bình thường mới, hướng đến duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ.
Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện tại, để giải quyết việc làm cho lao động hồi hương, Sở đã chỉ đạo Trung tâm DVVL tổ chức tư vấn, giải quyết việc làm, học nghề và phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp để kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức tiếp nhận NLĐ trở về địa phương làm việc để giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất khu vực, Trà Vinh hiện đang có hơn 37.000 lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm, tập trung đông các xã đông đồng bào DTTS. Để NLĐ tiếp cận với các thông tin việc làm, Trung tâm DVVL tỉnh Trà Vinh đã triển khai mô hình chuyến xe lưu động, mở loa tuyên truyền, phát tờ rơi tại các vùng sâu, vùng xa, thôn đặc biệt khó khăn.
Ở những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, Trung tâm sẽ đến các chùa phổ biến thông tin về cơ hội việc làm cho bà con vùng đồng bào DTTS có ít điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ khi làm việc.
Nỗ lực kết nối thị trường lao động
Để tạo thuận lợi cho NLĐ trong việc tìm kiếm việc làm, các Trung tâm DVVL ở các tỉnh phía trong khu vực đã cùng phối hợp tổ chức các phiên, sàn giao dịch để NLĐ có thể lựa chọn công việc phù hợp, đồng thời đây cũng là nơi có nguồn lao động dồi dào để các doanh nghiệp bổ sung vào chuỗi sản xuất cuối năm và trong năm 2022. Qua 2 lần thực hiện phiên giao dịch việc làm, các Trung tâm đã thu hút 191 doanh nghiệp tham gia, với 67.000 vị trí trống cần tuyển. Đây là điều kiện thuận lợi để NLĐ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị đang phối hợp với các Trung tâm DVVL của các tỉnh thành khác, kết nối tuyển dụng mà ở đó có nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ, đồng thời giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tuyển đủ số lượng lao động đang cần. Để việc thu hút NLĐ diễn ra suôn sẻ và phù hợp với tình hình thực tế, Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên thực hiện chương trình tư vấn làm thủ tục, hồ sơ dự tuyển bằng hình thức online; hướng dẫn cách thức phỏng vấn trực tuyến qua ứng dụng Zoom.
Tại Trà Vinh, bức tranh việc làm tương đối có "gam màu sáng" hơn, do địa phương đã chuẩn bị trước một bước, như ưu tiên tiêm vắc xin cho NLĐ trong các khu công nghiệp, tạo điều kiện doanh nghiệp hoạt động xuyên suốt.
Ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Các doanh nghiệp trên địa bàn đã linh hoạt đủ điều kiện để thích ứng an toàn trong hoạt động, tổ chức các chuyến xe “Một cung đường 2 điểm đến”, tổ chức test nhanh Covid-19 định kỳ miễn phí để sớm phát hiện F0.
Song song đó, tạo điều kiện cho nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hỗ trợ chỗ ở trọ 1 - 3 tháng, ứng lương trước 1 - 2 triệu đồng để trang trải việc sinh hoạt... Những ưu đãi này nhằm thu hút lao động trở lại làm việc để đáp ứng nhu cầu sản xuất dịp cuối năm”.