Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thông tin đối ngoại đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thúc đẩy hợp tác ngành nông nghiệp Việt - Lào giai đoạn 2023- 2025

Như Anh - Mai Hương - 09:40, 20/12/2023

Việt Nam và Lào đã và đang có chiến lược hợp tác khá toàn diện, trở thành nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang xứ sở Triệu Voi, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Quyết định số 482/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia cũng đã có nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào.

(BCĐ- Thông tin đối ngoại) Thúc đẩy hợp tác ngành nông nghiệp Việt - Lào giai đoạn 2023- 2025
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Phet Phomphiphak thống nhất đưa ra định hướng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước trong giai đoạn 2023-2025.

Nhiều dự án nông nghiệp đã hoàn thành, đem lại lợi ích lớn

Giai đoạn 2017 - 2021 đã có 7 dự án được phê duyệt, trong đó, có 1 dự án giao cho phía Lào thực hiện; 6 dự án do các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện với tổng số vốn 254,1 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 4 dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng, gồm Dự án Xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Hủa Phăn (số vốn 39,4 tỷ đồng); Dự án Sửa chữa hai trạm bơm công trình thủy lợi Đông-phu-xi và Tha-pha-nong-phông, thủ đô Viêng Chăn (số vốn 61,4 tỷ đồng); Dự án Phân vùng sản xuất nông nghiệp tại hai tỉnh Hủa Phăn (số vốn 46,6 tỷ đồng); Dự án Nâng cấp và sửa chữa công trình thủy lợi Nậm Loong, huyện Xộp Bấu, tỉnh Hủa Phăn (số vốn: 49,3 tỷ đồng).

Trong lĩnh vực thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi Việt Nam và Cục Thủy lợi Lào đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Triển khai các dự án thủy lợi sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam; Hỗ trợ Lào nghiên cứu lập quy hoạch thủy lợi.

(BCĐ- Thông tin đối ngoại) Thúc đẩy hợp tác ngành nông nghiệp Việt - Lào giai đoạn 2023- 2025 1
Cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Nông lâm nghiệp Lào.

Phía Việt Nam đã và đang hỗ trợ phía Lào đào tạo nguồn nhân lực tại các trường Đại học Thủy lợi, Đại học Lâm nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ngoài đào tạo dài hạn, hằng năm các tổng cục/các viện/các trường đã tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn trong các lĩnh vực thủy lợi, chăn nuôi, thú y… cho đội ngũ cán bộ của Lào.

Về kiểm dịch và bảo vệ thực vật, hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác, thường xuyên gặp mặt, phối hợp trao đổi thông tin trong công tác kiểm dịch thực vật. Đặc biệt, hai bên phối hợp thực hiện tốt mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Densavan (Lào).

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hai bên tiếp tục triển khai các cam kết tại Biên bản ghi nhớ giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào; Phối hợp chia sẻ thông tin trong quá trình kiểm tra, xác minh và cấp giấy phép cho doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu các loài CITES; nâng cao nhận thức các loài mới được bổ sung trong Công ước CITES.

Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào Phet Phomphiphak đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác của phía Việt Nam trong một loạt các lĩnh vực từ quy hoạch nông nghiệp, thủy lợi đến chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ và phối hợp trong công tác chuyên môn như trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản. Các hoạt động hợp tác sâu rộng giữa 2 bên đã tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của 2 nước.

“Với sự hợp tác và hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Lào đã có những bước tiến vững chắc để đảm bảo các mục tiêu đề ra về an ninh lương thực, phát triển các nông sản hàng hóa chủ lực, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự hợp tác từ phía Việt Nam để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn Lào trong thời gian tới”, Bộ trưởng Phet nhấn mạnh.

(BCĐ- Thông tin đối ngoại) Thúc đẩy hợp tác ngành nông nghiệp Việt - Lào giai đoạn 2023- 2025 2
Mô hình vườn cam huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) hỗ trợ huyện Viêng Xay (Hủa Phăn) trong phát triển kinh tế, đã và đang phát huy hiệu quả.

Có 49 dự án nông nghiệp đang đầu tư tại Lào

Theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong những năm qua Việt Nam là quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào đất nước Lào, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Trong số gần 240 dự án của Việt Nam đầu tư tại Lào với tổng số vốn gần 5,4 tỷ USD thì lĩnh vực nông nghiệp có 49 dự án. Các dự án nông nghiệp do Việt Nam đầu tư có hiệu quả và nhiều thành tựu nổi bật như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk…

Là doanh nghiệp đang trực tiếp đầu tư phát triển chế biến nông sản tại Lào, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho hay, hiện có nhiều lợi thế để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Lào. Lợi thế thứ nhất là đất đai, với diện tích tự nhiên vào khoảng 230.000km2, dân số khoảng 6,5 triệu người, diện tích đất nông nghiệp khoảng 7 triệu ha. Đất đai rộng lớn trong bối cảnh nền nông nghiệp còn chủ yếu canh tác theo lối thủ công truyền thống chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư phát triển sản xuất. Lợi thế thứ hai, trong vòng 5 năm trở lại đây đất nước Lào có chiến lược phát triển và đầu tư vượt bậc về hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc Viêng Chăn - Côn Minh (Trung Quốc). Cùng với đó là kế hoạch xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, cao tốc Viêng Chăn - Vũng Áng với khát vọng, mục tiêu trở thành trung tâm logicstic của khu vực Đông Nam Á, kết nối với thị trường Trung Quốc. Phát triển giao thông ở Lào đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản của các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam...

(BCĐ- Thông tin đối ngoại) Thúc đẩy hợp tác ngành nông nghiệp Việt - Lào giai đoạn 2023- 2025 3
Với sự hợp tác và hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Lào đã có những bước tiến vững chắc để đảm bảo các mục tiêu đề ra về an ninh lương thực

Cũng theo ông Đinh Cao Khuê, cách đây 3 tháng Đại sứ Lào đặt vấn đề công ty mở rộng đầu tư trồng dứa, trồng ngô tại Xiêng Khoảng, Hủa Phăn. Doanh nghiệp đã nghiên cứu, khẳng định điều kiện khí hậu, đất đai hoàn toàn phù hợp...

Trên cơ sở Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào ký ngày 03/3/2015 và Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước ký ngày 27/6/2015. Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông lâm nghiệp Lào, hai bên đã thống nhất và đưa ra định hướng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước trong giai đoạn 2023-2025. Việt Nam và Lào nhất trí khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư sang Lào trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất ở Lào với các đầu mối chế biến nông sản của Việt Nam...

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động, tiếp nhận viện trợ và triển khai thực hiện các dự án, phi dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua đó, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp các địa phương từng bước ổn định an sinh xã hội.