Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Quảng Bình: Thanh niên DTTS khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương

Vĩnh Sơn - 07:09, 07/12/2023

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện tiểu dự án thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thuộc Dự án thứ 2 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng về hỗ trợ, khuyến khích thanh niên DTTS&MN khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình thăm cơ sở làm việc của đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình thăm cơ sở làm việc của đoàn viên thanh niên trên địa bàn.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Ngô Thùy Linh, thôn Đồn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh đã “bén duyên” với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Năm 2016, anh khởi nghiệp từ mô hình nuôi ốc hương, do thiếu kinh nghiệm và ảnh hưởng của thời tiết nên đã thất bại. 

Với ý chí và nghị lực của người trẻ, anh Linh lại một lần nữa “làm lại” với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Trên diện tích 5.000m2, anh bắt tay xây dựng chuồng trại nuôi gà. Trong quá trình nuôi, anh luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Nhờ đó, lứa gà đầu tiên với 1.000 con đều phát triển tốt. Anh còn nuôi gà mái đẻ trứng và ấp bán gà con, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Tận dụng đất vườn đồi, anh bắt tay vào nuôi thử nghiệm 5 con dê. Nhờ sẵn nguồn thức ăn cùng với sự chăm sóc chu đáo nên đàn dê phát triển tốt, sinh sản đều, số lượng tăng nhanh. Mỗi năm, anh bán ra thị trường từ 20-25 con dê, cho thu nhập từ 65-70 triệu đồng. Năm 2019, anh Linh đã mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất. Anh bắt tay vào nuôi thêm lợn, bồ câu, bò và trồng thêm đậu, ngô, rau màu các loại để tăng thu nhập. Đến nay, trang trại của gia đình anh Linh đã có hơn 1.000 con gà, 70 cặp bồ câu, 35 con dê, 4 con bò và hơn 40 con lợn.

Từ hai bàn tay trắng nhưng với sự nỗ lực không ngừng, anh Linh đã thành công trong chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu trên vùng đất khó, với doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).

"Dự kiến, mình sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô trang trại, đào ao thả cá và nuôi lươn không bùn, nhằm phát triển kinh tế gia đình, gia tăng thêm thu nhập" anh Linh chia sẻ.

Còn chàng trai Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1994), Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam thuộc xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy thì lại “bỏ phố” về quê khởi nghiệp. Với hoài bão của tuổi trẻ, cùng với tình yêu quê hương, năm 2019, Phước từ bỏ công việc kỹ sư chuyên ngành chế biến thủy sản với thu nhập ổn định ở TP. Hồ Chí Minh để trở về, quyết tâm khởi nghiệp, góp sức xây dựng quê hương phát triển.

Trung bình mỗi năm, gia đình anh Linh bán ra thị trường từ 20-25 con dê, cho thu nhập từ 65-70 triệu đồng.
Trung bình mỗi năm, gia đình anh Linh bán ra thị trường từ 20-25 con dê, cho thu nhập từ 65-70 triệu đồng.

Với ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình sản xuất chế biến thủy sản, Nguyễn Hữu Phước nhanh chóng bắt tay vào công việc. Để tiết kiệm tối đa chi phí, anh tận dụng đất của gia đình xây dựng nhà xưởng 100m2 làm nơi chế biến. Để có thêm vốn, Phước vay mượn thêm người thân, bạn bè và vốn hỗ trợ từ Trung ương Đoàn, Phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, đồng thời tranh thủ sự quan tâm đồng hành của tổ chức Đoàn các cấp trên địa bàn.

Anh Phước đã tham gia tích cực các hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp, tập huấn, hội nghị… để học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường phát triển sản phẩm. Cơ sở chế biến thủy sản của anh chuyên sản xuất các sản phẩm hải sản tươi sống, đông lạnh và khô, hải sản tẩm gia vị, mực một nắng và một số sản phẩm hải sản khác. Đặc biệt, các sản phẩm đều chế biến từ nguồn nguyên liệu tươi ngon của địa phương, có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, được người tiêu dùng nhanh chóng đón nhận và tin dùng. Sản phẩm thủy sản của Nguyễn Hứu Phước không chỉ có mặt tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị và nhà hàng lớn trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai, Hà Tĩnh…

Tháng 3/2021, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam được thành lập do Nguyễn Hữu Phước làm Giám đốc, với 8 thành viên cùng tham gia hoạt động. Bằng quy trình sản xuất, chế biến hiện đại, khép kín và đúng quy định, hai sản phẩm của hợp tác xã là mực khô và cá lóc khô tẩm gia vị được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021. Cùng với đó, dự án “Chế biến cá lóc khô tẩm gia vị tại cơ sở chế biến thủy sản Ngư Nam” của Nguyễn Hữu Phước đã đoạt giải ba Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Quảng Bình.

Nguyễn Hữu Phước phấn khởi chia sẻ: Năm 2020, mô hình chế biến thủy sản mang lại tổng doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 150 triệu đồng. Đến nay, Hợp tác xã phấn đấu đạt tổng doanh thu 3,5 tỷ đồng và hiện đang góp phần giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương; trong đó có 8 lao động thời vụ, với thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng lên 1.000m2, tiếp tục nghiên cứu thị trường và có các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; phát triển chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân, nhất là các hộ nuôi trồng thủy hải sản tại địa phương. Hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình cho các đoàn viên thanh niên tham quan, học hỏi và có tinh thần khởi nghiệp.

Năm 2022 vừa qua, Nguyễn Hữu Phước vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Bình nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng. Thành công bước đầu của Nguyễn Hữu Phước đã tiếp động lực cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn dám dấn thân thực hiện ước mơ, hoài bão và cống hiến tài đức cho quê hương đất nước trên con đường phát triển.

Anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thuỷ sản Ngư Nam, vinh dự là đại diện duy nhất của Quảng Bình nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022.
Anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thuỷ sản Ngư Nam, vinh dự là đại diện duy nhất của Quảng Bình nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022.

 “Tiếp lửa” cho thanh niên

Anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình cho biết, để hỗ trợ thanh niên lập thân, khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, các giải pháp củng cố, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần khuyến khích, thúc đẩy nhu cầu làm giàu chính đáng của thanh niên. Giai đoạn 2021-2025, các cấp bộ Đoàn chú trọng mở rộng hoạt động cộng đồng khởi nghiệp, các mô hình Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế, hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế được phát huy như các mô hình “Thanh niên làm kinh tế”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”,…

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình chỉ đạo trực tiếp Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế đưa ra các phương án giúp đoàn viên, thanh niên lập nghiệp phát triển kinh tế tại Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) và Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân (huyện Quảng Ninh); trong đó triển khai các mô hình sản xuất nông phẩm sạch như trồng dưa chuột nhà màng, chăn nuôi gà, trồng cây công nghiệp, duy trì và phát triển vườn cây thanh niên…; thành lập và đưa vào sử dụng cửa hàng Bến Xanh để tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch do đoàn viên, thanh niên tại 2 làng lập nghiệp sản xuất.

Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được Đoàn Thanh niên triển khai hiệu quả. Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 268 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý với tổng số tiền trên 510 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm từ kênh Trung ương Đoàn ủy quyền cho Tỉnh đoàn quản lý là hơn 2,47 tỷ đồng với 92 dự án, giải quyết việc làm cho trên 450 đoàn viên thanh niên.

Trong 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Quảng Bình và tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã tư vấn, hướng nghiệp cho gần 82.250 đoàn viên, thanh niên; cung ứng, giới thiệu việc làm cho hơn 9.950 lao động trong nước và 2.090 đoàn viên thanh niên xuất khẩu lao động.

Từ các chương trình, phong trào, hoạt động thanh niên khởi nghiệp đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; hình thành nhiều mô hình, dự án do đoàn viên, thanh niên làm chủ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thanh niên; qua đó góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.