Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ở Chiêm Hóa

Khánh Sơn - 12:59, 22/12/2023

Thực hiện nội dung 1, Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 về 'Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, UBND huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) đã xác định, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng kiểm tra mô hình liên kết trồng ớt tại thôn Ón Cáy, xã Tân Mỹ.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng kiểm tra mô hình liên kết trồng ớt tại thôn Ón Cáy, xã Tân Mỹ.

Năm 2023, triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 về "Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", huyện Chiêm Hóa được đầu tư trên 12 tỷ đồng. Theo đó đã có 06/07 dự án được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Hiện, Chiêm Hóa đã triển khai các dự án: Nuôi cá tầm, nuôi dê, nuôi gà và mô hình trồng ớt chỉ thiên, ớt chỉ địa, trồng lạc đỏ. Dự kiến giải ngân đến 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch. 

Xã Tân Mỹ tham gia với 2 dự án là mô hình trồng Lạc đỏ và mô hình trồng ớt. Tại thôn Ón Cáy, hiện tại đang có trên 3,6 ha diện tích trồng ớt của 37 hộ dân thuộc tổ liên kết trồng ớt của thôn. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ giống, phân bón, nilon và được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và được ký kết bao tiêu sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định vì vậy người dân rất yên tâm sản xuất. Với giá bình quân 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí (chưa tính công lao động) đạt 150-170 triệu đồng/ha/vụ. Riêng cây lạc đỏ tại Tân Mỹ đang chuẩn bị cho thu hoạch và tiếp tục nhân rộng trong vụ xuân tới với diện tích bà con đăng ký trên 50ha.

Tính đến thời điểm hiện tại, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Thông qua các chuỗi liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mang tính thị trường cho người dân.

Đại hội Hội Nông dân huyện Chiêm Hoá (Tháng 5/ 2023) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản
Đại hội Hội Nông dân huyện Chiêm Hoá (Tháng 5/ 2023) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra, những năm gần đây huyện Chiêm Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, huyện ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số luôn là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược của Chiêm Hoá. Trong phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện luôn chú trọng triển khai các giải pháp hỗ trợ đồng bào chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết để sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, huyện Chiêm Hoá đang chú trọng xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng. Các đơn vị tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó ngày càng đảm bảo tính bền vững trong liên kết.

Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản đang trở thành hướng đi mới, có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay, nhiều hộ dân, HTX trên địa bà huyện đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế địa phương.