Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Sơn La: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp cho vùng đồng bào DTTS

Khánh Sơn - 09:04, 29/11/2023

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La được đánh giá là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị đã giúp bà con đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La có đầu ra nông sản ổn định, thu nhập bền vững.

Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới của HTX rau an toàn An Tâm.
Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới của HTX rau an toàn An Tâm.

Đây là kết quả của chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại mà trọng tâm là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo thống kê, toàn tỉnh Sơn La hiện có 740 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, có 184 hợp tác xã nông nghiệp có tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; 86 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết; 49 hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; gần 200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Có nhiều sản phẩm nông sản đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP. Một số sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, nhiều sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị trên cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Điển hình như vườn thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Thuận, huyện Thuận Châu với gần 13ha đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2020. Những năm gần đây, nhờ chăm sóc, canh tác theo hướng hữu cơ, đúng tiêu chuẩn VietGAP nên sản lượng, chất lượng quả thanh long luôn đảm bảo cho việc xuất khẩu. Năm vừa qua, vườn thanh long của Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Thuận đã cho thu hoạch gần 200 tấn quả và phần lớn xuất khẩu sang thị trường Nga, số còn lại đều tiêu thụ thuận lợi.

Một hộ dân ở xã Cò Nòi đóng gói sản phẩm na sau thu hoạch.
Một hộ dân ở xã Cò Nòi đóng gói sản phẩm na sau thu hoạch.

Bà Lò Thị Dưng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Thuận cho hay, thanh long ruột đỏ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Sau khi diện tích thanh long được cấp mã số vùng trồng, việc xuất khẩu dễ dàng hơn và được các hợp tác xã làm chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp của đồng bào DTTS, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp như: hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân và thành viên hợp tác xã nhằm huy động nguồn vốn để xây dựng nhà kho, xưởng sơ chế, bảo quản nông sản, từng bước giải quyết dứt điểm bài toán “được mùa, mất giá”.

Đồng thời, triển khai thực hiện các đề án: Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh; thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021- 2025; phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả phục vụ liên kết giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh...

Để thực hiện hiệu quả các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã tập trung, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản. Từ những dự án này, hàng chục nghìn lao động địa phương tại các vùng nguyên liệu có việc làm và đặc biệt sản phẩm của họ làm ra vừa đảm bảo chất lượng, vừa có hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ trồng cà phê ở Thành phố Sơn La không còn bị tư thương ép giá nhờ liên kết sản xuất với HTX cà phê Bích Thao. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định, còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, cho biết: Năm 2017, tôi đã liên kết với 11 hộ trồng cà phê ở bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La thành lập HTX cà phê Bích Thao, quy mô 50ha cà phê và ký hợp đồng thu mua với 800 hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Với mục đích nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu cà phê, HTX tập trung mở rộng quy mô sản xuất; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, triển khai mô hình trồng cà phê an toàn tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cà phê đặc sản xuất khẩu theo hướng bền vững; xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao. Năm 2023, dự kiến sản lượng HTX đạt 4.000 tấn cà phê; trong đó, xuất khẩu 90-95%, giá trị ước đạt 15-20 tỷ đồng.

Nhờ trồng thanh long ruột đỏ theo hướng liên kết chuỗi giá trị đã mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Thuận Châu (Sơn La).
Nhờ trồng thanh long ruột đỏ theo hướng liên kết chuỗi giá trị đã mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Thuận Châu (Sơn La).

Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn có nhiều doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến đang hoạt động hiệu quả, như các doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả liên kết sản xuất, tiêu thụ với các cơ sở chế biến nông sản, hệ thống siêu thị, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu nông sản; Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 580 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa; hàng trăm hộ sản xuất ngô cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR; 16 cơ sở, nhà máy chế biến chè ký kết trên 7.000 hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ chè...

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin: Ngành nông nghiệp địa phương đang chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích trên 83.000ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 362.000 tấn và giá trị các loại quả theo giá thị trường đạt 3.921 tỷ.

Những kết quả trên rất quan trọng để Sơn La tiếp tục thực hiện định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn, hữu cơ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, giúp người dân, HTX thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát huy tiềm năng đất đai, lao động của địa phương. Tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không bị đứt gãy, phát huy hiệu quả, bền vững. Góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Sơn La có 22.459ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp và các tiêu chuẩn tương đương (tăng 875ha so với năm 2021); có 281 mã số vùng trồng với diện tích 4.608,45ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, Sơn La có 24 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 250 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn…

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.