Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện Chương trình 135 ở Bình Phước: Phát triển sản xuất cải thiện đời sống dân sinh

PV - 10:32, 23/11/2018

Với những dự án thiết thực được triển khai từ Chương trình 135 giai đoạn 2016-2018, hàng ngàn hộ nghèo sinh sống ở vùng DTTS và miền núi tỉnh Bình Phước đã được thụ hưởng và có cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2018, tỉnh Bình Phước được Trung ương phân bổ 83 tỷ 416 triệu đồng đầu tư cho 9 xã đặc biệt khó khăn, 1 xã biên giới và 51 thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó, riêng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn đặc biệt khó khăn, Bình Phước được ngân sách Trung ương bố trí 14 tỷ 741 triệu đồng.

Từ số vốn này, trong hai năm qua tỉnh đã hỗ trợ 125 con bò, 162 con dê, xây dựng nhiều mô hình nuôi bò lai sind sinh sản, mô hình nuôi dê bách thảo; hỗ trợ gần 200 tấn phân bón, 713 lít thuốc bảo vệ thực vật, trên 450 bình xịt thuốc, 30 máy phát cỏ cho 539 hộ nghèo (trong đó có 392 hộ đồng bào DTTS); mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò, dê sinh sản cho hàng trăm lượt người tham dự…

Bình Phước Huy động nhiều nguồn lực làm đường giao thông nông thôn ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng (Bình Phước).

Năm 2018, tỉnh hỗ trợ vốn sản xuất 4 tỷ 869 triệu đồng, nhân rộng mô hình 1 tỷ 217 triệu đồng. Cùng với việc hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, tỉnh đã cấp miễn phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng những mô hình trình diễn giúp đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao; tập quán sản xuất của đồng bào có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững, đem lại thu nhập cao.

Cụ thể như gia đình ông Lê Cao Hùng, thôn 6, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập được ngành Nông nghiệp tỉnh chọn hỗ trợ vật tư để thực hiện mô hình trình diễn chăm sóc vườn điều. Ông Hùng cho biết: “Gia đình tôi có 6ha điều trên 10 năm tuổi, mỗi năm thu 21 tấn hạt điều. Năm 2016, vườn điều bị khô cành cháy lá, sau đó khô cả bông dẫn đến vụ điều năm 2017 năng suất chưa đến 1 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, vườn điều của gia đình tôi được ngành Nông nghiệp tỉnh chọn thực hiện mô hình trình diễn khôi phục vườn cây bị sâu, bệnh hại và niên vụ vừa qua năng suất cây điều đã tăng trở lại”.

Ông Ma Ly Phước, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, dự án nên Bình Phước đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên thành hộ trung bình và khá. Theo thống kê, đầu năm 2018, Bình Phước có 10.760 hộ nghèo, chiếm 4,50% tổng số hộ dân, trong đó hộ nghèo DTTS có 5.349 hộ, chiếm 49,71%. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 18.078 lao động, đạt 60,26% kế hoạch; trong đó giải quyết việc làm cho lao động người DTTS là 2.924 lao động… Những kết quả này đã góp phần quan trọng ổn định chính trị và đảm bảo vững chắc quốc phòng-an ninh, tạo tiền đề cơ bản về công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm tiếp theo...

Theo ông Ma Ly Phước, hiện Chương trình 135 tại địa phương đang bước vào giai đoạn gấp rút (2018-2020). Do đó, Ban Dân tộc đang nỗ lực làm tốt công tác xây dựng kế hoạch từ cơ sở, có sự tham gia sâu rộng của người dân; hướng phát triển kinh tế hàng hóa bền vững theo lợi thế của từng vùng, tập trung vào một số hạng mục đầu tư đã phát huy hiệu quả rõ nét, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở từng địa bàn.

Đồng thời, tham mưu cho tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho Chương trình, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, chống thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, gắn với Chương trình đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… để giúp người dân phát tiển kinh tế đẩy lùi đói nghèo hiệu quả.

BẰNG GIANG