Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở vùng DTTS: Bộc lộ nhiều khó khăn bất cập (Bài 2)

Thúy Hồng - 17:16, 14/05/2023

Mặc dù Chương trình giáo dục phổ thông mới đã đạt kết quả bước đầu. Song sau 3 năm triển khai, Chương trình đã bộc lộ nhiều bất cập về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên...

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập

Thiếu thốn đủ điều

Nhìn từ thực tế, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đã có những chuyển biến tích cực. Quy mô giáo dục ngày càng phát triển, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp tăng đáng kể so với các năm học trước, bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Tuy nhiên, Chương trình GDPT 2018 còn một số vấn đề đang được đặt ra cần sớm tháo gỡ. Cụ thể như: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học ở vùng cao, vùng DTTS khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu máy tính học tập cho học sinh; phòng học bộ môn còn thiếu so với yêu cầu, nhiều công trình giáo dục đã xuống cấp, nhiều phòng học tạm chưa được đầu tư xây dựng kiên cố…. chưa thực sự đảm bảo thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Theo thống kê hiện còn có 24,1% phòng học chưa được kiên cố hóa, thiếu phòng học bộ môn; 585 điểm trường tiểu học, tỷ lệ học sinh ở điểm trường lẻ chiếm 23,5%, rất khó khăn thực hiện tập trung đầu tư, sử dụng nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; trình độ dân trí chênh lệch giữa vùng thành thị và vùng cao, tỷ lệ hộ nghèo cao...

Thầy giáo Trịnh Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường PTDT Bán trú Tiểu học Chung Chải số 2, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Mặc dù đã triển khai Chương trình GDPT mới được 3 năm, nhưng hiện nay Nhà trường vẫn còn thiếu nhiều thứ: Thiếu giáo viên giảng dạy và trang thiết bị học tập. Ví dụ như, môn tin học, mỗi lớp học của Nhà trường có khoảng hơn 30 học sinh, nhưng trong năm học 2022 - 2023, Nhà trường chỉ được trang bị 7 bộ máy vi tính để phục vụ môn tin học. 

"Với số lượng trang thiết bị thiếu, Nhà trường chỉ có thể đánh giá chất lượng của học sinh về mặt lý thuyết, còn về kỹ năng thực hành, thì phải dựa vào kiến thức đã dạy để kiểm tra phù hợp với năng lực của học sinh. Còn đối với môn học tiếng Anh, do thiếu giáo viên nên các khối lớp 4, lớp 5 ở các điểm trường lẻ nhà trường chỉ triển khai dạy bổ trợ kiến thức cho học sinh", thầy Lập thông tin.

Được biết, trong năm học 2022 - 2023, năm đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ở lớp 3, môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc; ở lớp 10, lần đầu có môn nghệ thuật được đưa vào là môn học tự chọn. Tuy nhiên, qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Điện Biên thiếu hơn 200 giáo viên để triển khai các môn học này.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, ngoài thiếu giáo viên thì, tỉnh còn phải tiếp tục rà soát đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng.

Còn đối với tỉnh Lai Châu, mặc dù được quan tâm đầu tư, nhưng hiện địa phương này vẫn đang gặp khó về về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Đặc biệt, Lai Châu đang thiếu nguồn lực tuyển dụng đối với các môn học tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Điều này gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục đối với các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.

Thầy Vương Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú tỉnh Lai Châu, cho biết, nhà trường chưa thực hiện dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật theo Chương trình mới do thiếu giáo viên. Nhà trường kiến nghị, trong thời gian tới cần bổ sung đội ngũ giáo viên để phù hợp với chương trình học mới và nhu cầu của học sinh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022 - 2023 cả nước còn thiếu 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Trong đó, cần tới 5.322 giáo viên tiếng Anh và 3.648 giáo viên Tin học lớp 3 theo Chương trình GDPT mới, như vậy mới đủ mỗi trường có tối thiểu 1 giáo viên cho mỗi môn. Tuy nhiên, do chưa tuyển được giáo viên, nhiều địa phương đang phải gồng lên áp dụng các giải pháp tình thế để đáp ứng yêu cầu.

 Chương trình GDPT 2018 được nhìn nhận là khá nặng so với năng lực của học sinh vùng DTTS và miền núi
Chương trình GDPT 2018 được nhìn nhận là khá nặng so với năng lực của học sinh vùng DTTS và miền núi

Chương trình sách giáo khoa mới chưa phù hợp với thực tế địa phương

Chương trình GDPT mới và Luật Giáo dục 2019, có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau được phê duyệt để dùng chính thức trong nhà trường phổ thông. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, là hướng đi đúng, để đa dạng hóa cách tiếp cận, mời gọi nhiều nhà khoa học, nhà giáo cùng viết sách, khuyến khích giáo viên chủ động tìm tòi, sáng tạo trong dạy học. Tuy nhiên, cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế gây khó khăn cho việc dạy và học tại cấp THPT.

Mặc dù, triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngoài việc các thầy cô giáo đã được tập huấn, thì đội ngũ giáo viên cũng chủ động tìm kiếm tài liệu, thông tin để trau dồi kinh nghiệm. Tuy nhiên, từ lý thuyết đi vào thực tiễn triển khai chương trình cho đối tượng học sinh người DTTS mới thấy nhiều điểm hạn chế. Chương trình GDPT 2018 với nhiều tổ hợp môn khác nhau, thiếu giáo viên, nhiều giáo viên phải dạy gần môn, trái môn khó đáp ứng yêu cầu chất lượng. 

Cô giáo Phan Thị Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Cao Bá Quát, xã Vinh Quang, Tp. Kon Tum đánh giá, chương trình nặng hơn, bài tập thì nhiều, nhất là môn Toán, truyền thụ mất rất nhiều thời gian so với chương trình cũ. "Theo tôi nên giảm tải bớt một số bài tập khó khăn, giảm tải bớt để học sinh kịp thời nắm chắc hơn kiến thức, giáo viên  cũng kịp thời gian truyền thụ trên lớp", cô Oanh đề xuất.

Theo cô giáo Phan Thị Oanh, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của lớp 3 chương trình mới là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, với tổng số 28 tiết mỗi tuần, nhiều hơn 5 tiết so với chương trình lớp 3 cũ.

Ngoài ra, với nội dung chuyên môn, các trường vùng DTTS còn lo lắng khi thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá của Chương trình GDPT 2018.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Pờ Ê, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đánh giá: Đối với vùng DTTS khó mà đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc, bởi vì từ 8 môn trở lên đạt trên 8 phẩy,  thì mức học của các em ở đây là chưa đạt được.

Các trường học ở vùng DTTS và miền núi còn thiếu nhiều giáo viên dạy các bộ môn như Âm nhạc, tiếng Anh...
Các trường học ở vùng DTTS và miền núi còn thiếu nhiều giáo viên dạy các bộ môn như Âm nhạc, tiếng Anh...

Đánh giá về hạn chế bất cập trong việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo),cũng nêu rõ thêm, không chỉ bản mẫu, sách giáo khoa ban hành rồi, đâu đó vẫn có “sạn”, một phần do hạn chế này, là việc hình ảnh, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa đang quá chú trọng đáp ứng đến yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong khi những khía cạnh khác của xã hội, thì chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới, nhiều hình thức giảng dạy khác nhau như dạy tổ hợp môn. Các giáo viên phải vật lộn để đáp ứng yêu cầu này, phần lớn giáo viên các môn học này chưa được bồi dưỡng. Từ đó, dẫn đến tình trạng một môn học có đến 2-3 giáo viên cùng giảng dạy nhưng kiểm tra định kỳ, điểm số, nhận xét cho học sinh, thì các giáo viên lại thực hiện chung.

Đánh giá về kết quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bước đầu, chương trình đã đạt đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đồng bộ trên phạm vi cả nước và đạt được những mục tiêu rất căn bản. Những vấn đề vướng mắc ngành Giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, từng bước khắc phục.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.