Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở Điện Biên Đông

P. Ngọc (T/h) - 16:01, 17/05/2021

Điện Biên Đông - huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Song cùng với ngành giáo dục tỉnh, hiện nay Điện Biên Đông đang nỗ lực để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Một tiết học của học sinh trên địa bàn huyện Điện Biên Đông (Ảnh: pgddienbiendong.edu.vn)
Một tiết học của học sinh huyện Điện Biên Đông (Ảnh: pgddienbiendong.edu.vn)

Thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên

Là một huyện vùng cao được tách ra từ huyện Điện Biên bao gồm 10 xã vùng cao theo Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, toàn huyện có 14 đơn vị hành chính (13 xã và 01 thị trấn), với 246 bản và tổ dân phố, trong đó có 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. 

Cùng với khó khăn chung của tỉnh Điện Biên, cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư cho ngành giáo dục của huyện còn nhiều hạn chế. Toàn huyện có 948 phòng học ở cả 3 cấp; trong đó 328 trường bán kiên cố; 67 phòng học tạm và 5 phòng học mượn. So với quy mô phát triển số lớp, học sinh thì số phòng học và phòng hỗ trợ học tập vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cùng với đó, huyện còn 98/356 phòng công vụ giáo viên bán kiến cố và 145/356 phòng công vụ tạm. So với số lượng cán bộ giáo viên, nhân viên có nhu cầu nhà ở thì số phòng công vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ giáo viên, nhân viên.

Thiết bị phục vụ việc dạy và học đã được trang bị, mua sắm bổ sung. Song nhiều thiết bị phục vụ việc dạy và học mua sắm từ nhiều năm trước, đã cũ, hết hạn, hỏng, không đồng bộ do đó không sử dụng được, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, so với quy mô phát triển số trường, lớp, học sinh bán trú thì số phòng ở bán trú, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước và các vật tư thiết bị phục vụ nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản: Từ lớp 1 đến lớp 9 và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Từ lớp 10 đến lớp 12.

Đối với nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày. Nội dung giáo dục Trung học cơ sở bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày. Nội dung giáo dục cấp Trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày.

Để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới, khó khăn cho huyện Điện Biên Đông cũng như ngành giáo dục của các huyện khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên là thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên của huyện còn thiếu nhiều, nhất là giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học…

Chia sẻ về những khó khăn của ngành giáo dục huyện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tiến Thắng cho biết: “Khó khăn với chúng tôi thì rất nhiều, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư, sửa chữa song cơ bản cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy học. Bởi vậy, chúng tôi thực sự rất cần các nguồn lực đầu tư để có thể thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần chung của toàn ngành”.

Huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đông thực hiện Chương trình “Điều ước cho em” kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021- 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, các trường học trên địa bàn huyện sẽ đón nhận được sự sẻ chia của các tổ chức, tập đoàn kinh tế thông qua sự hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học.

Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc tại huyện Điện Biên Đông ngày 17/4/2021. (Ảnh: Bùi Tiến Công)
Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc tại huyện Điện Biên Đông ngày 17/4/2021. (Ảnh: Bùi Tiến Công)

Chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục Điện Biên nói chung và huyện Điện Biên Đông nói riêng, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021- 2025 sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ 10 đơn vị trường học gồm 5 trường Mầm non: Sao Mai, Keo Lôm; Ban Mai, Sa Dung, Phì Nhừ và 5 trường Phổ thông dân tộc bán trú-Tiểu học gồm: Xam Măn, Keo Lôm, Pú Hồng; Phình Giàng, Tìa Dình. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 10 đơn vị trường học tiếp theo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. 

Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, để tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 2 và khối lớp 6 trong năm học tới, bằng kinh nghiệm “vượt khó” trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Ðiện Biên đã xây dựng kế hoạch triển khai các đợt tập huấn đại trà giáo viên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và chương trình sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 bảo đảm kế hoạch; phấn đấu hoàn thành nội dung tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trước khi khai giảng năm học mới; Đẩy mạnh truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo và Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới”; Tiếp tục huy động các nguồn lực, sự chung tay của toàn xã hội đầu tư cho giáo dục một cách có trọng tâm, trọng điểm; phát huy nội lực, sức mạnh toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, trên địa bàn huyện có 51 trường, trong đó có 19 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 11 trường trung học cơ sở, 4 trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Huyện có 165 điểm trường lẻ. Toàn huyện có 837 lớp với 22.347 học sinh. Toàn ngành có 1.656 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.