Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Trị: Phát huy vai trò Người có uy tín (Bài 1)

Phạm Tiến - 11:18, 18/10/2023

LTS: Quảng Trị là địa phương được đánh giá cao về tiến độ thực hiện cũng như giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719). Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đội ngũ Người có uy tín ở cơ sở.

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, ở tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện nhiều điển hình là Người có uy tín trên các lĩnh vực xây dựng phát triển đời sống kinh tế, xã hội. 

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 191 Người có uy tín trong đồng bào các DTTS
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 191 Người có uy tín trong đồng bào các DTTS

Phát huy giá trị văn hóa để nâng cao đời sống 

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 191 Người có uy tín trong đồng bào các DTTS. Triển khai Chương trình MTQG 1719, Người có uy tín ở Quảng Trị được tập huấn và cung cấp đầy đủ thông tin, ý nghĩa của Chương trình. Sau các buổi tập huấn và cung cấp thông tin, chính đội ngũ Người có uy tín trở thành những "sứ giả" chuyển tải những thông điệp của Chương trình MTQG 1719 đến với đồng bào một cách toàn diện. Rất nhiều Người có uy tín đã gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào hoạt động ở địa phương; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đồng lòng thực hiện Chương trình.

Theo giới thiệu của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, ngược đường 9 lên thôn A Máy, xã Lìa, Hướng Hóa tìm gặp Người có uy tín Hồ Văn Hảo (bà con thường gọi ông là Ăm Hùng). Rất may, ông Hảo làm nương gần nhà nên khi biết có khách đến thăm, ông tạm dừng công việc đón khách. 

Trò chuyện với khách về tình hình cuộc sống của bà con trong thôn, về chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang được triển khai đến với người dân; đặc biệt những thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế... Ông Hào cho rằng, đối với thôn A Máy, hay người dân ở xã Lìa, việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS  gắn liền được với phát triển du lịch là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. Thực hiện hiệu quả chủ trương này, sẽ từng bước giải quyết được việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào.

(Bài kế hoạch- Chuyên đề Quảng Trị)Chương trình MTQG 1719, muốn thành công phải đồng lòng thực hiện --      Bài 1: Người có uy tín Quảng Trị tạo sức lan tỏa xây dựng chương trình MTQG 1719 1
Người có uy tín Hồ Văn Hảo (Ăm Hùng), thôn A Máy, xã Lìa, Hướng Hóa luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

Ông chia sẻ, là Người uy tín nhiều năm ở thôn A Máy, ông hiểu những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc mình. Khi triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Chương trình MTQG 1719), tại địa phương, ông lại càng chú trọng vào công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực thực hiện. Đồng thời bản thân ông nêu gương bằng những việc làm cụ thể như, ngoài những giờ lao động trên nương rẫy, ông đã tổ chức các buổi truyền dạy các điệu dân ca truyền thống Ca Lơi; Cha chấp,  A dên, Tà Oải  cho thế hệ trẻ; truyền dạy cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống như cồng Chiêng, khèn bè...cho bà con dân bản.

 “Truyền dạy là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đồng bào hiểu được tầm quan trọng và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với du lịch để nâng cao đời sống đồng bào chú ạ”, ông Hảo bộc bạch.

Từ tâm huyết của những Người có uy tín như ông Hồ Văn Hảo, chính quyền xã Lìa, cũng đã tích cực vào cuộc thực hiện Dự án 6. Theo đó, xã Lìa đã thành lập đội văn nghệ quần chúng gồm các già làng, Người có uy tín và một số thanh niên đam mê văn hóa truyền thống. Những ngày lễ, tết đội tham gia biểu diễn phục vụ bà con dân bản. 

Ngoài ra, các thành viên trong đội văn nghệ còn tích cực sưu tầm, phục dựng nhiều làn điệu dân ca bị mai một, nhạc cụ thất truyền... Từ nền tảng hoạt động của đội văn nghệ quần chúng, lãnh đạo xã Lìa kỳ vọng việc gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch ở địa phương sẽ trở thành hiện thực.

Người có uy tín "nói đi đôi với làm"

Là xã miền núi của huyện Đakrông, Mò Ó có 4 thôn với 95% dân số là đồng bào Bru-Vân Kiều. Vì vậy, việc triển khai Chương trình MTQG 1719, rất quan trọng đối với xã Mò Ó nói riêng và vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị nói chung.

Bà Hồ Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị Biểu dương Người uy tín tiêu biểu Quảng Trị năm 2023
Bà Hồ Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị Biểu dương Người có uy tín tiêu biểu Quảng Trị năm 2023

Là Người có uy tín, bà Hồ Thị Thanh, xã Mò Ó thấu hiểu những đặc thù về đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào ở thôn bản mình. Ngay khi xã triển khai nội dung Dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, thuộc Chương trình MTQG 1719, bản thân bà đã tiên phong làm điểm mở đầu để vận động đồng bào đồng lòng thực hiện.

"Để nói dân tin" gia đình bà đã mạnh dạn đưa giống lợn bản về nuôi đầu tiên. Được sự hỗ trợ kinh phí làm mô hình, được tham gia các buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật và phòng trừ bệnh trong chăn nuôi, bà mang kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng nuôi lợn. Theo đó đàn lợn một ăn, một lớn. Lứa đầu tiên, bà bán 10 con lợn, thu được hơn 70 triệu đồng. Hiện nay, mô hình nuôi lợn bản đã lan ra toàn xã, với hơn 20 hộ nuôi.

Còn ở thôn Vầng, xã Ba Tầng (huyện Đakrông) có 100% hộ là người đồng bào DTTS sinh sống. Đây cũng là địa phương có đất đai rộng lớn, màu mỡ lại sẵn nguồn nước,  nhưng đồng bào vẫn giữ lối canh tác cũ, không đầu tư thâm canh nên năng suất không cao. Do đó, cái đói cái nghèo cứ đeo bám lấy đồng bào từ năm này qua năm khác. Là Người có uy tín ở địa phương, ông Hồ Ngưm (Ăn Neng) trăn trở, nhưng dường như cũng chưa tìm ra hướng đi để dẫn dắt đồng bào!

Khi Chương trình MTQG 1719 triển khai thực hiện, ông Hồ Ngưm được đi tập huấn nên nhận ra đây là cơ hội để đồng bào ở thôn mình nâng cao đời sống. “Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống phải đồng lòng thực hiện Chương trình MTQG 1719 và bản thân mỗi Người có uy tín phải nêu gương và vận động bà con đồng lòng thực hiện”.

Nghĩ là làm, ông Hồ Ngum bắt tay ngay vào xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp (trồng trọt, chăn nuôi). Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về mọi mặt, đến nay mô hình kinh tế của gia đình ông Ngưm đã có nhiều sản phẩm bán ra thị trường và tăng thu nhập.

Hiện nay, gia đình ông Ngưm không chỉ trồng cà phê, tiêu mà còn trồng hơn 200 cây ăn quả các loại. Đồng thời, cải tạo thành công hơn 1ha để trồng lúa nước, 700m2 ao để thả cá. Ở lĩnh vực chăn nuôi, gia đình Người có có uy tín Hồ Ngưm có 10 con dê sinh sản, 8 con lợn. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, hằng năm gia đình ông Ngưm thu nhập trung bình 100 triệu/năm. Ngoài ra, với hơn 1ha lúa nước, gia đình ông Hồ Ngưm không những đủ ăn mà còn có lúa để phục vụ chăn nuôi. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình ông trở nên khá giả.

Thành công ở gia đình mình, Hồ Ngưm rất thuận lợi trong việc vận động đồng bào đồng lòng thực hiện Dự án 3. Dựa vào điều kiện của mỗi gia đình, địa hình cụ thể từng nơi canh tác, ông đưa ra những phương án phù hợp nhất  và hướng dẫn bà con thực hiện.  Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị ở thôn Vầng được hình thành. 

Không chỉ là Hồ Văn Hảo; Hồ Thị Thanh; Hồ Ngưm mà còn rất nhiều Người có uy tín khác ở Quảng Trị đã trở thành người tiên phong trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Bằng khả năng của mình, đội ngũ Người có uy tín ở Quảng Trị đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sự đồng lòng trong phong trào thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở cơ sở.

Tin cùng chuyên mục
Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.