Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

“Câu lạc bộ 100 triệu” - Từ ý tưởng đến cách làm giàu của nhiều hộ DTTS

Phạm Tiến - 19:30, 07/11/2023

Từ ý tưởng thành lập “Câu lạc bộ 100 triệu”, phong trào trồng sắn ở vùng đồng bào DTTS Hướng Hóa, Đakrông, tỉnh Quảng Trị phát triển mạnh. Cây sắn đã trở thành cây trồng chủ lực giúp đồng bào DTTS ở 7 xã vùng biên Hướng Hóa và nhiều hộ DTTS ở Đakrông vươn lên làm giàu.

(Bài Phát Sinh): “Câu lạc bộ 100 triệu”, từ ý tưởng đến cách làm giàu của nhiều hộ DTTS
Vùng đồng bào DTTS, miền núi Quảng Trị chiếm trên 60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh

Đưa cây sắn thành cây trồng chủ lực

Hướng Hóa là huyện vùng cao có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đặc biệt, là các xã vùng biên, đồng bào Bru-Vân Kiều, Tà Ôi… chiếm gần 100% dân số. Cùng với các cây trồng như cà phê, hồ tiêu, chuối..., sắn đã trở thành cây trồng chống đói cho đồng bào DTTS bao đời nay. Đặc biệt, từ khi nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa có ý tưởng thành lập “Câu lạc bộ 100 triệu”, cây sắn dần trở thành cây chủ lực đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân đồng bào DTTS ở các xã vùng biên.

Theo thống kê, hiện cây sắn được trồng nhiều ở các xã: xã Thanh, xã Thuận, xã Hướng Lộc, xã Lìa, xã Xy, A Dơi và xã Ba Tầng. Đây cũng được xem là vùng trọng điểm trồng sắn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa.

Từ một cây trồng lương thực cứu đói cho đồng bào DTTS ở vùng biên Hướng Hóa, nay cây sắn trở thành cây có giá trị kinh tế cao. Không chỉ giúp đồng bào DTTS thoát nghèo mà từ trồng sắn, nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên khá, giàu. Do đầu ra ổn định nên diện tích trồng loại cây trồng này tăng lên theo các năm. Các hộ gia đình DTTS cũng không ngừng đầu tư để mở rộng diện tích trồng sắn của gia đình mình.

Tại xã Thanh, hiện có 700ha trồng sắn. Từ diện tích sắn trên, mỗi vụ nông dân của xã Thanh đã cung ứng cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hơn 10.000 tấn sắn nguyên liệu.

Anh Hồ Văn Pường (xã Thanh), thành viên “Câu lạc bộ 100 triệu” kiểm tra vườn sắn của gia đình
Anh Hồ Văn Pường (xã Thanh), thành viên “Câu lạc bộ 100 triệu” kiểm tra vườn sắn của gia đình

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, nông dân tập trung đầu tư thâm canh cây sắn. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ vào các khâu trồng, thu hoạch sắn nên nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng. Nhờ đó, đời sống người trồng sắn được nâng lên”.

Từng có cuộc sống khó khăn, năm 2006, gia đình Pả Dỏ (ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa) bắt đầu trồng 2ha sắn. Trong vụ mùa đầu tiên, Pả Dỏ thu được gần 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả từ cây sắn mang lại cao hơn nhiều loại cây trồng khác, Pả Dỏ mở rộng diện tích trồng sắn lên 7ha. Hiện mỗi năm, gia đình Pả Dỏ thu hoạch khoảng 140 tấn sắn củ cung cấp cho nhà máy sắn Hướng Hóa.

(Bài Phát Sinh): “Câu lạc bộ 100 triệu”, từ ý tưởng đến cách làm giàu của nhiều hộ DTTS 2
Cây sắn đã trở thành cây trồng chủ lực của đồng bào DTTS ở các xã vùng biên huyện Hướng Hóa

Không chỉ gia đình Pả Dỏ, nhiều hộ đồng bào DTTS vùng biên ở Hướng Hóa được đổi đời nhờ cây sắn. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn huyện Hướng Hóa có trên 5.000 ha sắn cho thu hoạch hơn 72 nghìn tấn sắn củ tươi, doanh thu trên 150 tỷ đồng. Cùng với Hướng Hóa, đồng bào DTTS ở huyện Đakrông cũng tham gia trồng sắn với diện tích lớn. Đến nay, tổng cả 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có khoảng gần 30 nghìn hộ đồng bào DTTS tham gia trồng, với tổng diện tích ước đạt khoảng gần 10 nghìn ha sắn. Cây sắn đã trở thành cây trồng có ý nghĩa hết sức quan trọng đời sống kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS ở 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa.

Khích lệ nhiều hộ DTTS vươn lên làm giàu

Năm 2010, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa có ý tưởng thành lập câu lạc bộ những hộ trồng sắn huyện Hướng Hóa và Đakrông đạt 100 triệu đồng/vụ (gọi tắt là “Câu lạc bộ 100 triệu”) để động viên, khích lệ các hộ đồng bào DTTS trồng sắn. Nhờ đó, số hộ tham gia và diện tích trồng sắn ở 2 huyện miền núi này không ngừng được tăng lên theo các năm.

(Bài Phát Sinh): “Câu lạc bộ 100 triệu”, từ ý tưởng đến cách làm giàu của nhiều hộ DTTS 3
Được nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa bao tiêu đầu ra nên số hộ, diện tích trồng sắn năm sau tăng hơn năm trước

Nhắc đến “Câu lạc bộ 100 triệu đồng”, trước hết phải nói đến Pả Dỏ - người Bru-Vân Kiều ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa. Pả Dỏ là nông dân đầu tiên có tên trong câu lạc bộ 100 triệu và luôn đứng ở tốp đầu của Câu lạc bộ. Đặc biệt, sắp tới con trai của ông Pả Dỏ cũng đủ điều kiện gia nhập câu lạc bộ 100 triệu nhờ trồng sắn. Hiện ở xã Thanh, có hơn 20 hộ gia đình tham gia trồng sắn có thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ. Đây cũng là những thành viên tích cực được kết nạp vào “Câu lạc bộ 100 triệu”, trong số này, còn có chồng hội viên tiêu biểu người Bru-Vân Kiều Hồ Thị Hương là anh Hồ Văn Xum ở thôn Thanh 1, xã Thanh.

“Động lực từ "Câu lạc bộ 100 triệu đồng" cộng thêm cán bộ nhà máy hỗ trợ kỹ thuật, trong 5 năm trở lại đây, số hộ và diện tích trồng sắn luôn tăng lên. Trung bình mỗi năm gia đình  trồng 3,5 ha sắn. Tham gia “Câu lạc bộ 100 triệu” nên vợ chồng mình có thêm động lực để vươn lên và mỗi năm có thu nhập khoảng 200 triệu từ cây sắn”, chị Hương chia sẻ.

Cũng là gia đình người Bru-Vân Kiều, anh Hồ Văn Pường (40 tuổi, trú ở bản 10, xã Thanh) gia nhập “Câu lạc bộ 100 triệu” từ năm 2014. Tại thời điểm được kết nạp vào “Câu lạc bộ 100 triệu đồng”, anh Pường là hội viên trẻ nhất của câu lạc bộ lúc bấy giờ. Mỗi năm gia đình anh Pường trồng khoảng 4 ha sắn, thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng/vụ.

Năm 2021, anh Pường quyết định đầu tư thêm hơn 400 triệu đồng để mua máy cày, vừa để phục vụ sản xuất cho gia đình, vừa kết hợp làm dịch vụ. Trong năm 2022, anh Pường có thu nhập từ trồng sắn và máy cày trên 200 triệu đồng. Chiếc máy cày đã giúp anh Pường cùng bà con trong thôn bản, thực sự chủ động mỗi khi vào vụ trồng sắn cũng như đến vụ thu hoạch.

(Bài Phát Sinh): “Câu lạc bộ 100 triệu”, từ ý tưởng đến cách làm giàu của nhiều hộ DTTS 4
Gia đình anh Hồ Văn Xum, chị Hồ Thị Hương thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng nhờ trồng sắn

Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết thêm, mô hình “Câu lạc bộ 100 triệu” không những hỗ trợ, đồng hành đối với người nông dân trồng sắn mà thông qua mô hình đã tạo ra nguồn động viên, khích lệ giúp nhiều hộ gia đình người DTTS trồng sắn thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Sau 13 năm thành lập, hiện “Câu lạc bộ 100 triệu” của những người trồng sắn đã có 77 hội viên được kết nạp. Đặc biệt, trong số 77 hội viên này, chủ yếu là người đồng bào DTTS ở 2 huyện vùng biên Đakrông và Hướng Hóa. Tấm gương của những hội viên “Câu lạc bộ 100 triệu” đã lan tỏa phong trào thi đua trồng sắn mạnh mẽ trong cộng đồng đồng bào DTTS ở 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị. Cây sắn cũng đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ đồng bào DTTS trở thành hộ giàu có thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ. Từ phong trào trồng sắn, đồng bào các DTTS ở 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa cũng đã hình thành lối canh tác hàng hóa để vươn lên làm giàu trên chính bản làng của mình.   

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.