Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản ở Nghệ An: Thêm cơ hội để phụ nữ bày tỏ ý kiến

An Yên - 10:38, 06/11/2024

Một trong những nội dung được thiết kế trong Dự án 8, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 ở Nghệ An, là tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản. Đây chính là diễn đàn quan trọng để người phụ nữ vùng đồng bào DTTS được lên tiếng, được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bản thân về cuộc sống gia đình, xã hội…, qua đó, các cấp, các ngành có những giải pháp giúp đỡ, tổ chức hiệu quả các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới.

Hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ tại huyện Quỳ Hợp
Hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ tại huyện Quỳ Hợp

Lâu nay, dù các cấp, ngành đã vào cuộc quyết liệt, nhưng việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế nhất định. Vẫn có sự khác biệt trong các chỉ số phát triển giữa nam và nữ, trong đó phụ nữ và trẻ em gái DTTS vẫn là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới.

Vẫn còn nhiều vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và giải quyết, như sinh đẻ thiếu an toàn, bạo lực gia đình, mua bán người, nạn tự tử, tội phạm và tệ nạn xã hội, di cư lao động không an toàn, những tập tục có hại... ; Người phụ nữ ở một số các bản làng miền núi vẫn đang bị tư tưởng “trọng nam khinh nữ” lấn át, vẫn “như cái bóng” của chồng ngay chính trong căn nhà của mình…

Thế nên, khi được tham gia các diễn đàn trao đổi, đối thoại như đối thoại chính sách giữa chị em phụ nữ với cán bộ cấp xã và cụm thôn bản mà Dự án 8, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) thực hiện, nhiều chị em như trút bỏ được nỗi niềm sâu kín chôn dấu suốt bao năm. Còn chúng tôi, chợt nhận ra rằng: đó chính là tâm tư, là nỗi niềm, là tiếng lòng của người phụ nữ muốn gửi gắm, trình bày, chia sẻ…, để được thấu hiểu, cảm thông, giúp đỡ.

Một dẫn chứng để minh chứng cho điều này, là tại cuộc đối thoại chính sách giữa chị em phụ nữ bản Hội 1, bản Hội 2, bản Hội 3 và bản Lẻ xã Châu Hội (Quỳ Châu) vào đầu tháng 4/2024, thì đã có 24 câu hỏi được hội viên phụ nữ đặt ra. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình; vi phạm hành chính trong thực hiện pháp luật; chính sách xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS; đối tượng vay vốn và chính sách dành cho phụ nữ liên quan đến xuất khẩu lao động; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em suy dinh dưỡng có hoàn cảnh khó khăn; chính sách cho phụ nữ sinh sống trong vùng đồng bào DTTS sinh con tại trạm y tế xã; quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế và các thủ tục khi đi khám chữa bệnh…

Ở các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản tổ chức ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), xã Yên Na (Tương Dương)… nhiều vấn đề “sát sườn” liên quan đến cuộc sống thường ngày của chị em phụ nữ đã được đề cập, gửi gắm đến người có trách nhiệm. Những vấn đề chính được các chị em chia sẻ tập trung vào việc đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ, hỗ trợ tiếp cận vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Hội viên phụ nữ xã Châu Hội (Quỳ Châu) trao đổi tại cuộc đối thoại chính sách
Hội viên phụ nữ xã Châu Hội (Quỳ Châu) trao đổi tại cuộc đối thoại chính sách

Với những băn khoăn, thắc mắc, hay là những nỗi niềm, tâm sự sâu kín của chị em phụ nữ được đề cập qua các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản… sẽ trở thành “vấn đề nóng” nếu không được giải quyết thỏa đáng và kịp thời.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An cho biết: Tại các cuộc đối thoại chính sách, các câu hỏi, nội dung, vấn đề… mà chị em phụ nữ đưa ra, đều được trả lời, giải đáp thấu đáo, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể, rõ ràng về việc thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói chung và chính sách, quyền lợi của phụ nữ, trẻ em nói riêng.

Kể từ khi thực hiện Dự án 8, Chương trình MTQG 1719, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 89 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản. Bà Hiền cho hay: Việc tổ chức hội nghị đối thoại chính sách còn giúp cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan và tổ chức Hội lắng nghe phản ánh của hội viên, phụ nữ; từ đó các giải pháp phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN nói chung và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em phát triển nói riêng; qua đó góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em.

Toàn tỉnh Nghệ An 682.000 hội viên phụ nữ, trong đó phụ nữ DTTS có gần 80.000 hội viên. Để nâng cao vị thế của người phụ nữ và tổ chức hội, thì việc đảm bảo các quyền lợi, các chế độ chính sách đối với hội viên thông qua thực hiện có hiệu quả Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 là rất quan trọng, có ý nghĩa then chốt. 

Về định hướng kế hoạch trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các cấp hội trên toàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai các chính sách đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS, nhằm phát hiện những bất cập để kịp thời phản ánh với các cơ quan chức năng tháo gỡ; đồng thời quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS nâng cao năng lực, quyền năng kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.