Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc nhìn từ Bắc Bình

T.Nhân - 12:20, 11/10/2023

Toàn huyện Bắc Bình (Bình Thuận) có 18 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 17 DTTS sống tập trung tại 4 xã miền núi, 5 xã đồng bằng và 4 thôn xen ghép. Trong những năm qua, UBND huyện Bắc Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền địa phương tập trung đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một góc huyện Bắc Bình hôm nay
Một góc huyện Bắc Bình hôm nay

Tập trung nâng cao đời sống người dân

Những năm qua, huyện Bắc Bình đã tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thâm canh tăng vụ, sử dụng các loại giống lúa mới, bắp lai cho năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định. Tổng diện tích sản xuất cây lương thực khoảng 13.737 ha, với tổng sản lượng lương thực trên 43.046 tấn, trong đó cây lúa 6.724 ha, bắp lai 233 ha.

Nhiều cánh đồng triền đồi thấp, khu đất dốc ở các xã vùng cao Bắc Bình, trước đây hoang hoá thì nay đã phủ lên màu xanh non của bắp lai. Ông Đình Văn Đồng ở xã Phan Tiến cho hay: Nhờ được Trung tâm Dịch vụ miền núi cho ứng trước, gia đình tôi trồng 3 sào bắp lai, giống CP511. So với các vụ trước, vừa rồi bắp lai gia đình trúng mùa được giá, sau khi thu hoạch được Trung tâm Dịch vụ miền núi thu mua với giá cao, trừ chi phí có lãi nên mừng lắm. “Trước đây, bà con không có tiền đầu tư nên thường bỏ đất hoang. Nếu có đầu tư thì cũng vay mượn bên ngoài lãi suất cao, sau khi thu hoạch, trừ các khoảng cho phí còn lại không được bao nhiêu. Nhờ Trung tâm Dịch vụ miền núi cho ứng trước và thu mua lại nông sản với giá cao nên bà con rất phấn khởi”, ông Đồng cho biết thêm.

Đồng bào DTTS huyện Bắc Bình được hỗ trọ ứng trước giống bắp lai cho năng suất và hiệu quả cao
Đồng bào DTTS huyện Bắc Bình được hỗ trợ ứng trước giống bắp lai cho năng suất và hiệu quả cao

Bên cạnh hỗ trợ sản xuất cho bà con, huyện Bắc Bình còn tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đồng bào DTTS. Đơn cử như Phan Hòa là 1 trong số 4 xã thuần đồng bào Chăm, nhờ các chính sách đầu tư đã có tác động lớn, hạ tầng khang trang, đời sống người dân ngày càng no ấm. Ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Bình Thắng cho hay: Đường sá rộng thênh thang, thảm nhựa, đổ bê tông đi lại thuận tiện lắm… Nếu so với nhiều năm trước thì cuộc sống người dân Phan Hòa đã phát triển, khác trước rất nhiều. Đồng bào Chăm rất tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Mạng lưới y tế cơ sở tại các xã vùng đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất trang thiết bị; 100% xã có trạm y tế, 5/9 trạm y tế xã có bác sĩ và 9/9 xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 62,46% (36.240 thẻ bảo hiểm y tế). Đồng thời, các xã đã đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các vùng đồng bào DTTS.

Ngoài ra, các ngành chức năng huyện đã hỗ trợ cho đồng bào DTTS vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại các xã miền núi, vùng đồng bào DTTS. Hiện số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 783 hộ/3.182 khẩu, chiếm tỷ lệ 6,8% và hộ cận nghèo là 949 hộ/3.982 khẩu, chiếm tỷ lệ 8,24%. Hầu hết người lao động đều có việc làm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm.

Triển khai đồng bộ các chính sách

Trở lại các xã vùng đồng bào DTTS huyện Bắc Bình vào những ngày gần đây, chúng tôi thực sự ấn tượng trước những đổi thay ở từng ngôi nhà, cộng đồng dân cư với nhà cửa, đường làng, ngõ xóm khang trang, tươm tất, hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư khá hoàn thiện... có được điều này là nhờ huyện Bắc Bình đã triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Thuận về “Phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS”, góp phần làm đổi thay diện mạo làng quê và cuộc sống của đồng bào ở huyện miền núi Bắc Bình.

Đến nay, huyện có 98% hộ dân có đủ điện, nước sinh hoạt, 100% các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 9/9 xã điều đạt chuẩn quốc gia về y tế… Bên cạnh đó, huyện Bắc Bình còn triển khai đồng bộ các chính sách về đất ở, đất sản xuất, tạo điều kiện để đồng bào đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.

Theo Phòng Dân tộc huyện Bắc Bình, từ năm 2021 đến nay huyện hỗ trợ cho 37 hộ thiếu đất ở, 106 hộ thiếu nhà ở, 94 hộ thiếu đất sản xuất. Mở rộng hệ thống nước sinh hoạt Dốc Đá xã Phan Lâm, tuyến cấp nước thôn Tân Điền, xã Phan Điền, tuyến thôn Hòa Bình, tuyến thôn Tú Sơn, xã Sông Lũy. Nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt xã Phan Thanh. Nâng cấp tuyến đường từ Bình Tân đến xã Phan Tiến, làm cầu Suối Nhân. Nâng cấp, sửa chữa Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện và một số công trình khác với giá trị thực hiện trên 77,7 tỷ đồng.

Huyện Bắc Bình tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi phục vụ sản xuất cho đồng bào DTTS
Huyện Bắc Bình tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi phục vụ sản xuất cho đồng bào DTTS

Anh Mang Sơn ở xã Phan Lâm tâm sự: Nhờ chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từ Trung ương đến tỉnh và huyện cho vùng đồng bào nên người dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều. Hộ chưa có đất sản xuất sẽ được cấp, hộ thiếu đất ở, nhà ở cũng được quan tâm cho đến các công trình dân sinh như nước sinh hoạt, đường sá, giao thông cũng được đầu tư bài bản…, nhờ đó bà con có cuộc sống tốt hơn.

Song song đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội dân gian truyền thống, bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS cũng được các cấp, các ngành ở Bắc Bình quan tâm, chú trọng. Qua đó, hầu hết các DTTS trên địa bàn đều bảo lưu, sử dụng tiếng nói của mình trong sinh hoạt cộng đồng. Nhờ vậy, nhiều lễ hội truyền thống lớn của đồng bào DTTS được phục dựng và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự như: Lễ hội Ramưwan, Ka tê... Các lễ hội văn hóa dân gian của các dân tộc được diễn ra theo đúng nghi thức và tập tục truyền thống, đảm bảo mục đích và ý nghĩa của các lễ hội…

Ông Mai Văn Vụ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết: Hiện nay, huyện đã phân khai kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 là 77,726 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 67,588 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (tỉnh và huyện) là 10,138 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh vùng đồng bào DTTS, thực hiện theo nguyên tắc tập trung nguồn lực tổng thể, toàn diện đồng bộ, thống nhất. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát huy tinh thần tự lực của đồng bào DTTS.
Tin cùng chuyên mục
Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.