Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thực trạng đáng báo động về các cơ sở y tế

PV - 22:01, 30/01/2018

Cơ sở vật chất (CSVC) là một trong 3 yếu tố quyết định chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ sở y tế tại Hà Tĩnh đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Sơn Thủy là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Bởi vậy, trạm y tế là địa chỉ chăm sóc sức khỏe đầu tiên và gần nhất đối với người dân. Tuy nhiên, hiện nay CSVC, thiết bị y tế ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng.

Bệnh viện huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) xuống cấp ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) xuống cấp ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh cho nhân dân.

 

Ông Đoàn Mạnh Toái, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Thủy, cho biết: Trạm xây dựng năm 1996, ở vị trí thấp trũng nên năm nào cũng bị ngập lụt. Hiện, Trạm đã xuống cấp, nhiều phòng chuyên môn nứt nẻ, thấm dột. Cùng với đó là vật chất thiết bị phục vụ việc khám chữa bệnh thiếu thốn đủ bề.

Cùng chung hoàn cảnh đó, Trạm Y tế xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc) vẫn phải đối diện nhiều khó khăn là cơ sở khám chữa bệnh cho nhân dân thuộc vùng xa nhưng các điều kiện về CSVC, thiết bị y tế vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Trạm trưởng Nguyễn Huy Hải chia sẻ: Tình trạng CSVC xuống cấp và thiếu trang thiết bị đã từ lâu nhưng chưa được cải thiện. Cũng đã có nhiều kiến nghị, nhiều đoàn về xem xét thực tế nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn để đầu tư. Nhiều phòng chức năng đã rạn nứt, mưa dột, ngay cả hệ thống đường điện cũng đã bị hư hỏng. Vì không có kinh phí nên cán bộ Trạm tranh thủ những giờ không có bệnh nhân tự sửa chữa, chắp vá.

Không chỉ trạm y tế tuyến xã mà phần lớn các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của Hà Tĩnh đều trong tình trạng “báo động đỏ” về sự xuống cấp CSVC. Tại tuyến tỉnh, sự xuống cấp CSVC đáng báo động nhất là ở Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Bệnh viện Phổi tỉnh có 3 khoa điều trị, nhưng mới chỉ có một nửa Khoa Hồi sức cấp cứu được đầu tư, số còn lại đều xuống cấp trầm trọng. Các buồng bệnh gần như đều bị ẩm mốc, bong gạch; toàn bộ hệ thống cửa mục nát. Đã từ lâu, hệ thống cửa buồng bệnh đành phải nẹp lại cố định để hạn chế… bong, rơi!

Bác sỹ Nguyễn Thị Diện, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: “Khu nhà 2 tầng được xây dựng năm 1997, chủ yếu dành cho bệnh nhân nội trú gồm 100 giường bệnh. Ở đây, tường rạn nứt, ẩm ướt đã đành, nhưng sợ nhất là trần nhà bong tróc từng mảng, rất nguy hiểm!”.

CSVC xuống cấp, thiếu thốn nên tình trạng quá tải đang trở thành vấn đề bức thiết. Thực trạng này nếu không được quan tâm giải quyết thì trong tương lai gần, ngành Y tế Hà Tĩnh sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động khám chữa bệnh.

Ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: Trước thực trạng khó khăn này, để công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đáp ứng, ngành Y tế đã dự thảo đề án trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét để có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị y tế cho hệ thống y tế từ tuyến cơ sở đến tỉnh. Theo đó trong giai đoạn từ 2017 đến 2020, nguồn kinh phí ngành y tế cần đầu tư là 363,8 tỉ đồng, trong đó hơn 165 tỉ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, 80 tỉ đồng mua sắm thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí này sẽ hoàn thiện xây dựng 56 trạm y tế đang xây dựng dở dang, xây mới 65 trạm y tế các xã, sửa chữa, cải tạo 90 trạm, bổ sung trang thiết bị y tế cho 142 trạm.

Tuy nhiên đó chỉ là dự thảo trước mắt và nó còn phụ thuộc vào việc kinh phí có được phê duyệt hay không, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh vốn rất hạn chế. Thiết nghĩ, các trạm y tế là những cơ sở y tế tuyến đầu, nếu cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh, danh mục thuốc được cung cấp đầy đủ sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe đồng bào, giảm thiểu áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Vì vậy, chính quyền, ban, ngành các cấp ở Hà Tĩnh cần quyết liệt hơn trong việc đầu tư CSVC, thiết bị y tế để các trạm y tế, hệ thống các bệnh viện trên địa bàn phát huy tốt khả năng đáp ứng nhu cầu về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày một tốt hơn.

BIỆN NHUNG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.