Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định và Gia Lai họp bàn về công tác cán bộ khi sáp nhập

T.Nhân-H.Trường - 07:54, 27/04/2025

Chiều 26/4, tại trụ sở Tỉnh uỷ Bình Định, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định và Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính 2 tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định; Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai.

Hội nghị lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Gia Lai tập trung thảo luận, thống nhất các nội dung quan trọng gồm: Thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Bình Định và Gia Lai; thống nhất tên gọi tỉnh mới là Gia Lai; đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay; cho ý kiến về nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công cán bộ, đây được đánh giá là nội dung quan trọng nhất trong quá trình hợp nhất của hai tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất hai tỉnh và các Tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai mới.

Ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi làm việc
Ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi làm việc

Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh gọn bộ máy quản lý thông qua việc chuyển toàn bộ biên chế cấp huyện xuống cấp xã, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tại cấp cơ sở. Đồng thời, tiến hành rà soát và cơ cấu lại đội ngũ nhân sự nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại.

Quá trình sắp xếp cán bộ, công chức của hai tỉnh sẽ diễn ra theo lộ trình rõ ràng, không gây xáo trộn đời sống của người dân địa phương. Trước mắt giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện có của hai tỉnh. Sau đó thực hiện rà soát tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, bảo đảm thời hạn theo yêu cầu của Trung ương (thời hạn 5 năm).

Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giúp đội ngũ này nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm đối với công việc. Từ đó thường xuyên trau dồi đạo đức, chuyên môn để nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết công việc.

Ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc
Ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc

Một điểm nổi bật của Đề án là sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đặt tên cho các xã, phường mới. Chính quyền tỉnh Bình Định và Gia Lai đã lắng nghe ý kiến của Nhân dân, chuyên gia, cũng như các đồng chí nguyên lãnh đạo để bảo đảm tên gọi không chỉ phản ánh lịch sử, văn hóa mà còn giữ được bản sắc riêng của từng địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết, việc cho ý kiến thống nhất về nguyên tắc tổ chức bộ máy, phân công cán bộ sau sáp nhập có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận cao giữa hai tỉnh. Công tác sắp xếp bộ máy mới phải đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vận hành thông suốt ngay sau khi chính thức hợp nhất.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, việc cho ý kiến về nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công cán bộ khi hợp nhất thành tỉnh Gia Lai mới, rất hệ trọng và khó nhất. Sắp xếp bộ máy mới phải bảo đảm hiệu lực, hiệu qủa và vận hành ngay sau khi sáp nhập.

“Sau khi thống nhất, chúng ta phải đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, tạo sức mạnh và động lực mới để xây dựng tỉnh mới phát triển nhanh, bền vững, đóng vai trò là cực tăng trưởng của khu vực và cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên thông tin thêm: Đây là buổi làm việc thứ 2 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh, trước đó đã có buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh diễn ra tại Gia Lai. Thường trực Tỉnh ủy của 2 địa phương đã trao đổi và đồng thuận, thống nhất cao với các nội dung được đưa ra tại Hội nghị này.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi làm việc
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi làm việc

Tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trình bày dự thảo Đề án sắp xếp. Theo Đề án, sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ mang tên Gia Lai, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn. Tỉnh Gia Lai mới sẽ có diện tích hơn 21.576km², dân số khoảng 3,6 triệu người, gồm 135 đơn vị hành chính cấp xã (110 xã và 25 phường).

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện Đề án và các nội dung liên quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Gia Lai sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.

Tin cùng chuyên mục