Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Thủy điện Hồi Xuân... bao giờ mới đến “mùa Xuân”?

Quỳnh Trâm - 16:38, 29/03/2023

Thủy điện Hồi Xuân - công trình trọng điểm quốc gia đã triển khai từ 16 năm trước, đến nay vẫn chưa về đích vì liên tục chậm tiến độ, gây muôn vàn khó khăn cho người dân và chính quyền huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Dự án Thủy điện Hồi Xuân sau 16 năm vẫn chưa hoàn thiện.
Dự án Thủy điện Hồi Xuân sau 16 năm vẫn chưa hoàn thiện

Liên tục chậm tiến độ

Thủy điện Hồi Xuân là công trình thủy điện lớn thuộc quy hoạch điện lực quốc gia. Dự án được triển khai đầu tư từ năm 2007, do Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) làm chủ đầu tư. Song, dự án phải ngừng thi công do thiếu vốn.

Tháng 6/2014, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính của Công ty Cổ phần Xây dựng điện (VNCO) Hồi Xuân nắm giữ 91% cổ phần chi phối.

Để có vốn tiếp tục thực hiện Dự án, chủ đầu tư đã được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, Dự án được thi công trở lại năm 2017. Tuy nhiên, Dự án đã dừng thi công từ đầu năm 2019 đến nay do thiếu vốn.

Việc Dự án liên tục chậm tiến độ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương và gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Theo báo cáo của VNCO Hồi Xuân, Dự án đã thực hiện được khoảng 93% khối lượng công trình với giá trị thực hiện ước đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng. Hiện còn thiếu 280 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục và đi vào vận hành nhà máy.

Đến nay, Dự án còn một số hạng mục chưa được thi công, như đường chống ngập ở các bản Phé, Mý, Bá, xã Phú Xuân; bản Chiềng, xã Phú Sơn, cầu treo Phú Xuân và cầu treo Chiềng. Ngoài ra, 5 công trình trường học, trạm y tế phải hoàn trả vẫn chưa có tiền chi trả cho UBND huyện Quan Hóa để thi công.

Trước đó, năm 2010, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá bán điện trung bình năm là 657 đồng/kWh. Do Dự án thi công kéo dài, điều chỉnh thiết kế và điều kiện thủy văn khiến sản lượng điện giảm xuống, cùng với yếu tố trượt giá nên tổng mức đầu tư Dự án tăng lên (khoảng 1.169 tỷ đồng).

Ngoài khoản vay 125 triệu USD từ ngân hàng của Mỹ, để Dự án hoàn thiện, doanh nghiệp phải vay thêm vốn từ các tổ chức tín dụng. Song để vay được, điều kiện là phải có phương án giá điện chính thức được ký với EVN để chứng minh tính hiệu quả tài chính, khả năng trả nợ của Dự án. Tuy nhiên, với giá điện đã ký năm 2010 thì Dự án không bảo đảm khả năng thu hồi vốn.

Do vậy, nếu việc thỏa thuận giá điện với EVN hoàn tất và vay được vốn để tiếp tục thực hiện Dự án, dự kiến Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân mới có thể hoàn thiện và đi vào vận hành.

Bà con phải đi đò qua sông vì không có cầu do ảnh hưởng bởi dự án.
Bà con phải đi đò qua sông vì không có cầu do ảnh hưởng bởi Dự án

Người dân chịu khổ

Việc Dự án Thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ nhiều năm kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Bà Phạm Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa cho biết: “Nếu Thủy điện Hồi Xuân hoàn thành đi vào hoạt động, sẽ giải quyết được nhiều khó khăn cho người dân, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương”.

Hiện, một số hạng mục Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân cam kết thực hiện vẫn chưa làm được tại khu tái định cư Sa Lắng gồm: Taluy âm, taluy dương, đường xuống bến đò, nhà văn hóa. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện xây dựng bản nông thôn mới của Sa Lắng

"Trong trường hợp Dự án không thể triển khai, thì mong muốn tỉnh sử dụng ngân sách hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh cho bà con trước. Khi Dự án triển khai trở lại, thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho Nhà nước sau”.

Ông Nguyễn Đức Dũng Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa

Vấn đề nghiêm trọng nhất chính là cây cầu treo bắc qua sông Mã, một trong những công trình mà thủy điện cam kết hoàn trả vẫn chưa thành hiện thực. Năm 2018, một trận lũ dữ đã cuốn phăng cây cầu, khiến người dân các bản Phé, Mí, Bá ở bên kia sông không còn đường đi lại. Họ buộc phải đi đò qua sông Mã vô cùng nguy hiểm, nhất là mùa mưa lũ. Trong đó, có hàng trăm học sinh phải đi vào trung tâm xã để học mỗi ngày.

Không có cầu, việc giao thương của người dân vô cùng khó khăn. Thương lái mua giá luồng rẻ hơn một nửa so với bên kia sông. Trong khi đó, hàng hóa đưa vào bản thì lại đắt gấp đôi. Mỗi lần qua đò, mất 10.000 đồng/người, không có tiền thì không đi sang sông được. Mà mỗi lần qua sông lại nơm nớp sợ, nhất là mùa mưa lũ...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Dũng - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, trước tình trạng chậm tiến độ của Dự án, huyện đã nhiều lần có báo cáo lên tỉnh đề xuất có phương án tháo gỡ tháo khăn.

“Trong trường hợp Dự án không thể triển khai, thì cũng mong muốn tỉnh sử dụng ngân sách hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh cho bà con trước. Khi Dự án triển khai trở lại, thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho Nhà nước sau”, ông Nguyễn Đức Dũng nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.