Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tích cực khôi phục, duy trì lễ hội truyền thống các DTTS

PV - 12:33, 05/06/2018

Những năm qua, ngành chức năng và các địa phương tỉnh Đăk Lăk đã có nhiều biện pháp khôi phục, bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc, gắn kết buôn làng, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa.

Xã Cư Né, huyện Krông Búk có 3.135 hộ với 14.216 nhân khẩu, trong đó trên 61% là đồng bào dân tộc Ê-đê. Từ nhiều năm qua, buôn Drao và buôn Kô (chủ yếu dân tộc Ê-đê sinh sống) vẫn còn duy trì nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là Lễ Cúng bến nước. Ngày 23/3 hằng năm, UBND xã Cư Né luôn tạo điều kiện để đồng bào dân tộc Ê-đê trong buôn làng tổ chức chu đáo, Lễ Cúng bến nước tạo không khi vui tươi trước khi bước vào mùa vụ mới.

Lễ cúng bến nước của người Ê-đê tại xã Dang Kang, huyện Krông Bông. Lễ cúng bến nước của người Ê-đê tại xã Dang Kang, huyện Krông Bông.

Trước đó, ngày 9/3/2018 đồng bào Ê-đê xã Dray Bhăng cũng được huyện Cư Kuin đầu tư, khôi phục lại bến nước và tổ chức Lễ Cúng bến nước truyền thống tại buôn H’ra Ea Tla. Đối với đồng bào Ê-đê Lễ Cúng bến nước để cầu xin các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Ở Đăk Lăk, đồng bào các dân tộc phía Bắc di cư vào sinh sống trên địa bàn cũng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống mang bản sắc riêng, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dự. Điển hình như: Lễ Khai hạ của đồng bào dân tộc Mường tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột ngày 7 tháng Giêng hằng năm tại đình Thịnh Lang, thôn 3; Lễ hội cổ truyền mừng Xuân Ngày cộng đồng dân tộc Thái ở xã Hòa Phú TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội Hảng Pồ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ tổ chức định kỳ hằng năm vào 28-30 tháng Giêng và Lễ hội Văn hóa Dân gian Việt Bắc, diễn ra trong ngày 14 và 15 tháng Giêng hằng năm ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng.

Chị Phùng Thị Hòm, dân tộc Tày hiện đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai từng chia sẻ, quê ở Lạng Sơn, vào Nam lập nghiệp nhiều năm rồi, nhưng ở Đồng Nai ít người Tày nên không thể tổ chức lễ hội truyền thống như hội Hảng Pồ của đồng bào dân tộc Tày. Gia đình chị cũng có người thân ở Ea Siên nên lễ hội năm nào chị cũng lên để được cảm nhận phiên chợ tình ngày xưa. Mọi người đến đây ghép đôi, ghép cặp hát đối đáp, hỏi han nhau sau thời gian dài không gặp gỡ rất vui.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hằng năm trên địa bàn tỉnh đang diễn ra khoảng trên dưới 100 lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS, chủ yếu là do các địa phương tự khôi phục và duy trì. Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ năm 2007 đến nay, mỗi năm cũng tiến hành khôi phục được từ 1-2 lễ hội truyền thống sau đó bàn giao về cho các địa phương quản lý, phát huy.

Ông Y Chen Niê, Phó Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để phục dựng, tổ chức hiệu quả các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS, hằng năm Sở cũng có văn bản chỉ đạo ngành chức năng địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và phân công các chuyên viên văn hóa phối hợp với các địa phương chuẩn bị kịch bản phù hợp gắn với chủ đề riêng của từng lễ hội.

Phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống, coi trọng tính đặc thù, độc đáo của mỗi loại hình lễ hội, tránh cào bằng đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán trong hoạt động và sinh hoạt lễ hội. Đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, giữ gìn được bản sắc văn hóa vùng, miền...

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tối 25/4, tại Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh Kon Tum và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây.