Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ đập

Hương Trà - 14:29, 03/06/2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện nay còn hơn 1.100 hồ chứa nước xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, chưa có nguồn vốn để đầu tư, sửa chữa và nâng cấp.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy: Hiện nay, trên cả nước có khoảng 40.200 công trình khai thác, sử dụng nước. Tuy nhiên, đối với các hồ đập thủy lợi nhỏ, phần lớn do các xã, hợp tác xã, nông trường đầu tư xây dựng từ những năm 1970 đến 1980, trong điều kiện thiếu kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế nên chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ thiết kế, thiếu kinh phí bảo trì nên bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm năng lực, hiệu quả phục vụ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Cụ thể, hiện nay, cả nước còn 1.104 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, chưa có nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp (157 lớn, 264 vừa và 683 nhỏ). Các hạng mục hư hỏng xuống cấp nặng thường xảy ra tại các hồ chứa thủy lợi.

Nỗi lo an toàn hồ đạp luôn thường trực mỗi khi mùa mưa bão về. Ảnh: minh hoạ
Nỗi lo an toàn hồ đập luôn thường trực mỗi khi mùa mưa bão về. (Ảnh: Minh họa)

Về khả năng chống lũ, hầu hết các hồ chứa lớn đã được sửa chữa nâng cấp theo Quy chuẩn, tuy nhiên, vẫn còn 65 hồ thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn cũ (trước năm 2002), cần kiểm tra khả năng tháo lũ.

Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước cũng gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng.

Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 75 sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy lợi và 14 sự cố mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Nguyên nhân sự cố do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; năng lực của đơn vị quản lý, khai thác chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt nhiều đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy điện không đủ năng lực; công tác kiểm định an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, kiểm tra đập hồ chứa nước bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa trong đập.

Về phương hướng khắc phục, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã trình Thủ tướng ban hành, sửa đổi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại hạn hán, thiếu nước.

Bộ cũng xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vận hành của 134 hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng trên 11 lưu vực, phục vụ việc giám sát, vận hành liên hồ, đáp ứng các yêu cầu quản lý, điều hòa phân phối nguồn nước trên 11 lưu vực.

Phối hợp các cơ quan cập nhật và xây dựng kịch bản Biến đổi khí hậu gắn với nhu cầu chi tiết của ngành, địa phương, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Các cơ quan đã xây dựng bản đồ rủi ro lũ và ngập lụt cho 24 lưu vực sông trên toàn quốc phục vụ quy hoạch và phòng chống thiên tai. Khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng đến vận hành an toàn hồ chứa theo thời gian thực, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước và đảm bảo 100% hồ chứa thủy điện lớn được kiểm soát, giám sát trực tuyến.

Bước vào mùa mưa bão, các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan như: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra bất thường, ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ đập. Việc chủ động kiểm tra, sửa chữa các hồ, đập bị xuống cấp và xây dựng phương án ứng phó, bảo vệ công trình trong mùa mưa bão cần phải được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. 

Tin cùng chuyên mục