Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

“Tiệm giặt là của người điếc”

Hiếu Anh, Xuân Thắng - 11:56, 17/02/2021

Sinh ra đã không được may mắn, những người khiếm thính vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, họ không đơn độc. Trong xã hội vẫn luôn có những người quan tâm đến họ. Vì lẽ đó, tiệm giặt là của người điếc ở Hà Nội đã ra đời mang theo nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Tiệm giặt là của người điếc khai trương từ tháng 12/2020
Tiệm giặt là của người điếc khai trương từ tháng 12/2020

Nằm bên bờ sông Sét (địa chỉ số 7 đường bờ sông Sét, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tiệm giặt là của người điếc có quy mô khá khiêm tốn, hoạt động 24/7 với một quản lý, 2 nhân viên (tất cả đều là người điếc).

Điều đáng nói, hoạt động của cửa hàng được hỗ trợ đắc lực bằng nhiều ứng dụng công nghệ như: Zalo, Facebook … Chính việc này khiến những khiếm khuyết vốn có của người điếc không còn là trở ngại.

Mỗi ngày, 3 cô gái trẻ dậy rất sớm giặt là cẩn thận từng bộ quần áo, từng đôi giày, rồi trực tiếp ship cho những khách ở gần. Những lúc rảnh rỗi, họ thường xuyên dọn dẹp lau chùi để cửa hàng luôn sạch sẽ.

Chị Lương Thị Kiều Thúy (quản lý tiệm giặt là) cho biết, để có cửa hàng này, chị đã được hỗ trợ để đầu tư gần 200 triệu đồng mua máy móc thiết bị, thuê cửa hàng… Hiện nay, doanh thu của cửa tiệm có ngày lên tới gần 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng mỗi nhân viên nhận mức lương trên 4 triệu đồng. Mức lương dù chưa cao, nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc, và tự tin hơn vì đã có công việc ổn định và làm những việc có ích cho xã hội.

Trong căn phòng bé nhỏ và ấm cúng này, có một góc nhỏ tại cửa hàng dán những mẩu giấy xinh xắn, nhiều màu sắc bắt mắt khiến khách ghé qua không thể không chú ý. Đó chính là nơi lưu lại những cảm nhận, suy nghĩ của các khách hàng.

Một bạn tên Thìn để lại dòng tin nhắn với nội dung ấm áp: "Một nơi tuyệt vời để bạn có thể trải nghiệm một ngôn ngữ mới, có thể là cả một cách sống mới". Hay lời nhắn của một vị khách vô danh: "Một nơi mà bạn cảm thấy mọi người tâm huyết với từng sản phẩm. Mình sẽ quay lại thêm thật nhiều lần nữa".

Chia sẻ về việc hình thành và phát triển tiệm giặt là người điếc, chị Lương Thị Kiều Thúy cho biết, năm 2019, chị cùng nhóm bạn có thực hiện dự án "Nghiên cứu thực trạng việc làm cho người điếc". Sau khi kết thúc dự án, tình cờ chị biết đến công việc giặt là qua kết nối của một người bạn khuyết tật.

Sau khi trải nghiệm công việc trên qua 2 cơ sở giặt là bình dân và cao cấp, chị đã hạ quyết tâm phải xây dựng một mô hình thông minh, tạo cơ hội việc làm cho người điếc và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững. Từ ý tưởng mang tên "giặt là sáng", đầu năm 2020, chị Thúy tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Trải qua 8 tháng vất vả, vượt qua hàng trăm hồ sơ từ khắp mọi miền Tổ quốc, chị Thúy đã đạt giải "Cánh Én vàng".

Góc chia sẻ yêu thương với những người kém may mắn
Góc chia sẻ yêu thương với những người kém may mắn

Tháng 10/2020, chị Thúy tiếp tục tham gia chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội (Youth co:lab) do Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức. Với ý tưởng kinh doanh "giặt là sáng", chị đã đạt giải Best Performance. Thông qua một giám khảo của cuộc thi, chị Thúy quen anh Bùi Thế Phúc (SN 1981, quê quán Hà Nội), là chủ thương hiệu nhượng quyền "Giặt ký". Nhờ mối lương duyên này, chị Thúy đã quyết định kết hợp liên danh với anh Phúc dưới sự chứng thực của Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương để ra đời "Tiệm giặt là người điếc".

Chị Thúy chia sẻ thêm, để tiệm giặt là người điếc có thể trụ vững, cạnh tranh một cách sòng phẳng với mô hình kinh doanh khác, ngoài chú trọng yếu tố chất lượng phục vụ, cửa hàng đã đẩy mạnh sự khác biệt và chuyên sâu hơn. Cụ thể, ngoài việc giặt là các sản phẩm thông thường, tiệm giặt là người điếc còn nhận vệ sinh cho các mặt hàng cao cấp (áo lông vũ, quần áo đắt tiền…) theo đúng yêu cầu, mong muốn của khách hàng; ngoài ra còn có công nghệ giúp giày dép sáng bóng như mới.

Trên thực tế, tiệm giặt là người điếc đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 12/2020 đã bước đầu nhận được sự ủng hộ, tin tưởng từ phía khách hàng. Thực tế, lượng khách tới với cửa hàng tăng lên từng ngày, đông nhất là vào dịp cuối tuần.

Mục tiêu trong tương lai của chị Thúy và cộng sự là, có thể đào tạo nghề cho nhiều người điếc và gặp được nhiều nhà đầu tư xây dựng những mô hình tương tự như "Tiệm giặt là người điếc".


Tin cùng chuyên mục
Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Với sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương và toàn xã hội; khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang dần hồi sinh sau thiên tai, vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”.