Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 9, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đã đạt mức cao kỷ lục hơn 5,258 triệu tỷ đồng. So với tháng 8 liền trước, số dư này đã tăng ròng 113.858 tỷ, tương đương mỗi ngày các doanh nghiệp, tổ chức lại gửi thêm gần 3.800 tỷ đồng vào các nhà băng.
Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp các doanh nghiệp có xu hướng tăng ròng tiền gửi tại ngân hàng.
So với cuối năm 2020, tổng số dư tiền gửi của nhóm doanh nghiệp, tổ chức tại các nhà băng đã tăng gần 380.300 tỷ đồng, tương đương mức tăng ròng 7,8%.
Theo cơ quan quản lý tiền tệ, trong 9 tháng đầu năm, tổng tiền gửi của các khách hàng tại ngân hàng tăng hơn 530.000 tỷ, tương đương mức tăng 5,3%. Như vậy, riêng số tăng trưởng của nhóm khách hàng doanh nghiệp đã chiếm trên 70% mức tăng này.
Xu hướng trên diễn ra trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên dòng tiền có xu hướng nằm tại các ngân hàng.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lượng tiền gửi của người dân lại chậm lại. Từ đầu năm, số dư tiền gửi của người dân tại các ngân hàng mới tăng hơn 150.000 tỷ đồng, tương đương 2,92%, khi mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong khoảng chục năm.
Đến cuối tháng 9, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các nhà băng đạt trên 5,291 triệu tỷ đồng, giảm 1.473 tỷ đồng so với cuối tháng 8. Trong tháng 8 trước đó, số dư này cũng đã giảm ròng gần 1.000 tỷ đồng.
Nếu so với số tăng trưởng của tiền gửi nhóm doanh nghiệp, mức tăng trưởng tiền gửi của người dân chỉ tương đương 1/2.