Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Tiền hỗ trợ học sinh khó khăn “bị tắc” ở nhà trường: Tự nguyện hay ép buộc?

PV - 10:51, 26/02/2019

Để tiếp tục hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn, Chính phủ ra Nghị định 116/2016/NĐ-CP (NĐ 116) quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK. Tuy nhiên, khi số tiền hỗ trợ được chuyển về cho học sinh, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đăk Lăk), đã vận động để lại 50%.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, nơi xảy ra vụ việc. Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, nơi xảy ra vụ việc.

Để lại một phần tiền

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, thời gian vừa qua, họ lên nhận tiền Nhà nước hỗ trợ học sinh vùng ĐBKK thì được vận động để lại tiền xây dựng trường.

Ông P.L, một phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết: “Gia đình tôi có 3 người cháu đang theo học tại đây. Nhà tôi cách trường hơn 5 cây số, lại thuộc diện hộ nghèo, vì vậy các cháu đi học rất khó khăn. Do đó, khi được nhà trường thông báo lên nhận tiền do Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi đã rất mừng. Tuy nhiên, khi lên nhận tiền kế toán nhà trường viết sẵn cho tôi phiếu tài trợ (cho nhà trường) lên tới 18,3 triệu đồng. Tôi thấy rất ngạc nhiên vì số tiền rất lớn với gia đình. Nhưng không muốn đôi co nên tôi đành đồng ý”.

Không chỉ riêng ông P.L mà nhiều gia đình đình khác cũng phải “tự nguyện” đóng góp cho nhà trường số tiền khá cao như gia đình bà L.T.N “tự nguyện” đóng góp cho nhà trường 11,2 triệu đồng; hộ ông Tr.V.D cũng “tình nguyện” đóng hơn 12,6 triệu đồng…

Được biết, năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn có 31 trường hợp được nhận tiền hỗ trợ theo NĐ 116. Tuy nhiên, khi phụ huynh đến phòng kế toán của nhà trường nhận tiền, đều được phát những tờ giấy có tên: “Phiếu tài trợ”; Sau khi đóng tiền được phát thêm phiếu “Tiếp nhận tài trợ”. Nhiều trường hợp phải trích lại 50% số tiền trợ cấp để “tự nguyện” nộp lại cho nhà trường.

Cần xử lý nghiêm

Trao đổi về vấn đề này, bà Lương Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trong năm học 2018-2019, nhà trường có thực hiện kế hoạch huy động, tiếp nhận và sử dụng các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân để xây dựng hạ tầng cho nhà trường. “Việc các phụ huynh đóng góp cho nhà trường là hoàn toàn tự nguyện và không liên quan gì đến việc được hỗ trợ tiền theo NĐ 116”, bà Hoa nói.

Đồng thời, bà Lương Thị Hoa cung cấp cho phóng viên danh sách các phụ huynh ủng hộ dài 3 trang, trong đó có những hộ “tự nguyện” tài trợ cho nhà trường với số tiền gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng tại bản danh sách, một số phụ huynh chỉ đóng góp 50 nghìn đồng. Họ cho phóng viên biết, gia đình không nằm trong diện được hưởng chế độ trợ cấp nên không phải nộp tiền tài trợ.

Qua tìm hiểu được biết, Trường Lê Quý Đôn là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2013-2018 (mức độ 1), hiện nhà trường đang xây dựng kế hoạch để được công nhận lại. “Kế hoạch kêu gọi tài trợ của nhà trường đã được gửi cho UBND xã Ea Nuôl. Chủ tịch UBND xã đã nhất trí, và kêu gọi một số doanh nghiệp tài trợ thêm”, bà Hoa cho biết thêm.

Tuy nhiên qua trao đổi, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl lại khẳng định, xã không nhận được kế hoạch của lãnh đạo Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Trước sự việc trên, ngày 18/2 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT) Đăk Lăk cho biết, đơn vị đã nhận được báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn về việc Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) tự ý huy động tiền chế độ của 31 học sinh nghèo.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Lăk cho biết, sau khi nhận được phản ánh về việc Trường Tiểu học Lê Quý Đôn thu tiền hỗ trợ học sinh vùng ĐBKK. Sở đã đề nghị trường và Phòng Giáo dục giải trình. Sau đó nhà trường đã trả lại cho phụ huynh số tiền hơn 150 triệu đồng.

Ông Phạm Đăng Khoa cho biết thêm, việc nhà trường tự ý huy động tiền theo NĐ 116 của học sinh để sử dụng dù mAục đích gì cũng sai quy định. “Sau khi nhận báo cáo của Phòng, chúng tôi sẽ xem xét xử lý vụ việc. Qua sự việc này, Sở GD&ĐT sẽ có chỉ đạo quán triệt trên toàn địa bàn tỉnh để tránh trường hợp tương tự”, ông Khoa nói.

Thiết nghĩ, việc hỗ trợ học sinh ở vùng ĐBKK là một chủ trương nhân văn của Nhà nước nên việc vận động học sinh để lại tiền đã làm sai lệch chủ trương này. Ngoài việc khắc phục hậu quả, ngành Giáo dục tỉnh Đăk Lăk cần phải có thêm các biện pháp xử lý nghiêm nhằm tạo sức răn đe.

Nghị định 116/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định học sinh tiểu học và THCS sống trong các điều kiện khó khăn (như: Bản thân bố và mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường thuộc xã vùng III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi…; nhà ở xa trường từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học, 7km trở lên đối với học sinh THCS), thì mỗi em học sinh sẽ được: Hưởng 15kg gạo/tháng; Hưởng tiền ăn bằng 40% và 10% chỗ ở đối với mức lương cơ sở (nếu học sinh phải tự túc chỗ ở).

VŨ LONG

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.