Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Tiên Yên (Quảng Ninh): Người dân đua nhau bán đất rừng qua phòng công chứng

Nghĩa Hiệp - Thiên An - 16:16, 24/10/2021

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), thời gian qua, rừng sản xuất trên địa bàn rất “được giá”, các hộ dân đua nhau bán đất rừng để thu lời. Đặc biệt, có những hộ dân còn đang rao bán cả đất rừng phòng hộ...

Khi được hỏi mua đất rừng, ông N.V.T khẳng định chỉ cần đưa hồ sơ cho xã sẽ sang tên được
Khi được hỏi mua đất rừng, ông N.V.T khẳng định chỉ cần đưa hồ sơ cho xã sẽ sang tên được

Đáng nói, đất rừng được bán cho ai, chuyển đổi mục đích sử dụng như thế nào, cán bộ xã không hề hay biết.  Bởi người mua đã làm giấy tờ tại văn phòng công chứng và chuyển hồ sơ lên huyện. Phóng viên đặt vấn đề này đến lãnh đạo UBND huyện Tiên Yên thì cũng không nhận được câu trả lời?!

Dân đua nhau bán đất rừng

Tìm về thôn Đồng Châu, xã Tiên Lãng, tại đây có ngôi nhà khang trang của ông Đ.V.T. đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Ông Đ.V.T. chủ ngôi nhà cho biết: “Đợt vừa rồi có người về thu mua đất rừng. Nhà tôi có 6ha, bán được 1,1 tỷ đồng, nên xây luôn lại cái nhà mới”.

Đối diện với ngôi nhà khang trang của ông Đ.V.T., là ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông N.V.T. Ông T cũng đang thấp thỏm, chờ đợi người mua đất rừng quay trở lại để giao dịch mua bán đất rừng với ông. Ông N.V.T. cho biết: “Đất rừng của tôi rộng 6,4ha ở thôn Cái Mắt, trồng 2ha keo rồi. Trước có doanh nghiệp trả tôi 1,5 tỷ đồng, viết giấy mua bán và giao sổ rừng, các anh ấy sẽ tự đi làm giấy tờ, nhưng tôi chưa đồng ý bán. Còn thủ tục thì đơn giản lắm, liên hệ với xã là người ta ký nhận sang tên cho. Dù là đất rừng, thì anh nơi khác đến mua vẫn làm thủ tục được, chỉ cần chi cho xã mấy chục triệu là xong”.

Ngôi nhà đang được xây từ tiền bán đất rừng của ông Đ.V.T.
Ngôi nhà đang được xây từ tiền bán đất rừng của ông Đ.V.T.

Ở trong thôn còn có gia đình ông L.V.T. đã bán đất rừng từ năm 2020, với diện tích rừng hơn 30ha do ông sở hữu, ông chỉ bán được 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông nói:  “Tôi già rồi, bán đi chứ để làm gì nữa”.

Không chỉ có đất rừng sản xuất, ngay đến đất rừng thuộc diện khoanh nuôi bảo vệ được chính quyền giao khoán cho người dân cũng đang được giao bán. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông L.B., người được giao khoán 96.000m2 rừng khoanh nuôi bảo vệ. 

Qua trao đổi, gia đình chỉ đồng ý bán với số tiền chẵn 2,6 tỷ đồng, bên mua tự làm thủ tục tại xã. Để tăng sự tin tưởng về tính pháp lý của sổ rừng, ông L.B. còn mang sổ ra để người mua xem và kiểm tra trực tiếp. Sổ ghi rõ thông tin về tờ bản đồ, diện tích, loại rừng và thời gian sử dụng.

Vợ ông L.B tìm sổ rừng để chứng minh nguồn gốc, dù là rừng khoanh nuôi bảo vệ vẫn bán được
Vợ ông L.B tìm sổ rừng để chứng minh nguồn gốc, dù là rừng khoanh nuôi bảo vệ vẫn bán được

Chính quyền có biết?!

Thực tế cho thấy, việc tìm mua đất rừng tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) không hề khó, chỉ cần hỏi bất cứ ai cũng có nhu cầu muốn bán. Cái khó ở đây là tìm ra người đã mua số lượng lớn đất rừng nêu trên. Bởi theo những người bán đất rừng, việc mua bán được diễn ra theo hình thức bên nhận sổ - bên nhận tiền và điền thông tin người bán đất rừng vào giấy. Việc còn lại là do người mua đất rừng tự làm việc với chính quyền xã, huyện để sang tên, đổi chủ.

Ngày 3/8/2021 phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãng về những vấn đề liên quan đến những sai phạm trong chuyển đổi đất nông nghiệp và đất rừng. 

Tại buổi làm việc, ông Nam và cán bộ địa chính UBND xã cho biết: Việc người dân mua bán qua lại đất rừng rất khó kiểm soát, do họ không thông qua xã. Họ tự ký giấy tờ mua bán với nhau tại Văn phòng công chứng và chuyển hồ sơ lên huyện. Hiện thanh tra huyện cũng đang thanh tra một số sai phạm về việc chuyển đổi đất tại xã Tiên Lãng. Khi nào có kết luận thanh tra chúng tôi sẽ thông tin.

Để có thông tin chính xác, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND huyện Tiên Yên, trong ngày 3/8/2021. Tuy nhiên, phóng viên được ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Yên liên lạc, báo tạm lùi lịch làm việc, với lý do là do cơ quan Thanh tra tỉnh Quảng Ninh ra công bố Quyết định thanh tra trùng với nội dung phóng viên làm việc. Nên phải chờ Thanh tra tỉnh Quảng Ninh kết luận thanh tra mới công bố cho báo chí.

Tuy nhiên, đã hơn 70 ngày kể từ thời điểm Thanh tra tỉnh Quảng Ninh công bố Quyết định thanh tra tại UBND huyện Tiên Yên (theo như lời ông Hùng), phóng viên không nhận thêm được bất cứ thông tin gì. Trong khi đó, theo mục b, Điều 51, Luật Thanh tra có nêu rõ: “Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục tiến hành không quá 45 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày làm việc”. 

Do đó, thực tế những diện tích đất rừng đã bán được chuyển cho ai, và đi theo đường nào để có thể sang tên đổi chủ vẫn chưa được làm rõ. Cùng với đó, có hay không việc có cuộc Thanh tra tỉnh làm việc “trùng” với nội dung phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đề xuất với huyện?

Thông tin duy nhất phóng viên nắm được đến nay là, tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên các hộ dân vẫn đang đua nhau bán đất rừng để thu lời. Đặc biệt, có những hộ dân còn đang rao bán cả rừng phòng hộ?

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc...

Tin cùng chuyên mục
Quy định mới về việc Cảnh sát Giao thông dừng phương tiện để kiểm soát

Quy định mới về việc Cảnh sát Giao thông dừng phương tiện để kiểm soát

Việc dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát của Cảnh sát Giao thông được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát Giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).