Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Giải bài toán di dời các hộ dân sinh sống trong Vườn quốc gia Tam Đảo

PV - 13:01, 12/09/2021

Làm sao để di dời các hộ dân sinh sống trong rừng đặc dụng, ngăn chặn người dân cơi nới, mở rộng diện tích xâm lấn đất rừng cũng như sử dụng tài nguyên rừng bất hợp pháp là bài toán đang được các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc nỗ lực tìm lời giải. Hiện, bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.

Cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Minh Quang tuyên truyền gia đình anh Dư Văn Tám ở thôn Quang Minh, xã Minh Quang không xây dựng nhà, cơi nới chuồng trại trong khu vực rừng đặc dụng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Minh Quang tuyên truyền gia đình anh Dư Văn Tám ở thôn Quang Minh, xã Minh Quang không xây dựng nhà, cơi nới chuồng trại trong khu vực rừng đặc dụng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Quyết liệt triển khai các giải pháp

Trước đây, trên địa bàn xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) có khoảng hơn 10 hộ dân là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên di cư đến địa bàn xã vào khoảng năm 1985. Họ sinh sống ở sâu trong rừng đặc dụng. Năm 2004, UBND xã Trung Mỹ đã cấp đất ở, đất canh tác nông nghiệp cho các hộ dân này, nhằm hỗ trợ sinh kế, giúp người dân yên tâm ra nơi ở mới.

Theo đó, mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở và giao đất canh tác nông nghiệp theo định mức gần 1 sào/người. Tuy nhiên, có một vài hộ sau khi được cấp đất đã quay lại xâm lấn đất rừng. UBND xã đã phối hợp với Trạm Kiểm lâm Trung Mỹ nhiều lần tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời ra bên ngoài, nếu các hộ này không chấp hành sẽ báo cáo cấp trên hỗ trợ nguồn nhân lực, thành lập tổ công tác triển khai cưỡng chế theo quy định.

Không chỉ ở địa bàn xã Trung Mỹ, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Tam Đảo cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để di dời người dân ra khỏi khu vực của Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tam Đảo Nguyễn Trung Thành cho biết: "Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chung, chỉ đạo riêng biệt để xử lý từng vụ việc cụ thể và giao trách nhiệm cho các đơn vị, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm. UBND huyện Tam Đảo phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sử dụng đất trong việc xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn".

Tại Văn bản số 542/BC-UBND ngày 11/11/2020 của UBND huyện Tam Đảo gửi UBND tỉnh báo cáo về việc quản lý, sử dụng đất đã giao cho các tổ chức trên địa bàn huyện có đề xuất một số nội dung, giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý, giải quyết dứt điểm các vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

Trong đó, đề cao trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng đất trong việc phát hiện, giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm thuộc đơn vị quản lý; chỉ đạo các tổ chức quản lý, sử dụng đất thường xuyên thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; kiên quyết thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích, sai quy hoạch, lấn chiếm, chuyển nhượng, mua bán trái phép.

Các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND xã, thị trấn tiến hành xác minh về nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, diện tích đất vi phạm, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm, các tổ chức sử dụng đất chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương tiện, lực lượng, kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với những giải pháp của chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm - VQG Tam Đảo đã chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên diện tích đất rừng thuộc VQG Tam Đảo quản lý.

Đầu năm 2021, Trạm Kiểm lâm Minh Quang đã phát hiện hộ gia đình bà Bùi Thị Tịnh ở thôn Bản Long xây dựng công trình trái phép trên đất rừng đặc dụng mà gia đình bà xâm lấn từ trước khi VQG Tam Đảo thành lập (năm 1996).

Hạt Kiểm lâm - VQG Tam Đảo đã bố trí lực lượng, thành lập tổ công tác phối hợp với UBND xã Minh Quang tiến hành lập biên bản, tháo dỡ 1 nhà tạm có diện tích 16,8m2, được xây dựng bằng gạch, có chiều cao 0,8m. Tất cả vật liệu tháo dỡ lực lượng chức năng đưa về trụ sở UBND xã xử lý theo quy định của pháp luật.

Không chỉ lập biện bản, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, Trạm Kiểm lâm Minh Quang còn tuyên truyền, ký cam kết với hộ gia đình bà Bùi Thị Tịnh và các hộ dân đang sinh sống trong rừng giữ nguyên hiện trạng, tuyệt đối không cơi nới, xây dựng mới.

Anh Dư Văn Tám ở thôn Quang Minh, xã Minh Quang cho biết, năm 1979, ông bà nội anh là cụ Dư Văn Tiến và cụ Hoàng Thị Man vào khai hoang và sinh sống trong rừng. Mảnh đất này về sau được truyền lại cho bố mẹ anh, sau đó là đến vợ chồng anh.

Năm 2008, anh được UBND xã Minh Quang cấp trích lục bản đồ thửa đất tại Tờ bản đồ số 43, Thửa đất số 42 với diện tích 500m2. Các công trình xây nhà ở và chuồng trại cũng được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, vợ chồng anh nhiều lần muốn xây dựng lại căn nhà nhỏ tại rừng.

"Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã tuyên truyền để tôi hiểu rõ việc xây dựng, cơi nới trên đất rừng là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, vợ chồng tôi đã bỏ ý định đó, đồng thời, cam kết giữ nguyên hiện trạng và thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng”, anh Tám chia sẻ.

Những tín hiệu tích cực

Được UBND xã Trung Mỹ cấp 400m2 đất ở và gần 3 sào đất nông nghiệp để canh tác (năm 2004), gia đình anh Bàn Nho Phúc đã di dời từ rừng đặc dụng ra khu vực thôn Đồng Giang để sinh sống. Cũng từ đây, gia đình anh Phúc bước sang một cuộc sống tốt đẹp hơn, sau nhiều năm sống trong rừng.

Sau khi di dời từ rừng đặc dụng ra khu vực thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên để sinh sống gia đình anh Bàn Nho Phúc đã xây dựng được nhà cửa kiên cố
Sau khi di dời từ rừng đặc dụng ra khu vực thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên để sinh sống gia đình anh Bàn Nho Phúc đã xây dựng được nhà cửa kiên cố

Nhớ lại quãng thời gian sống trong rừng, anh Phúc chia sẻ: “Cuộc sống trong đó rất cực khổ, điện không có, nước sinh hoạt phải lấy từ suối, đường từ rừng ra bên ngoài rất khó đi và nguy hiểm, nên chúng tôi sống gần như “biệt lập”, rất ít khi ra ngoài. Dù ruộng đất trong rừng rộng rãi, nhưng vợ chồng tôi chỉ biết cấy lúa, trồng ngô, sắn và nuôi gà. Kinh tế gia đình khó khăn, nên 3 đứa con tôi không được đến trường, khi ốm cũng tự chữa bằng lá cây rừng".

Nay thì khác rồi, ra nơi ở mới, có điều kiện tiếp cận các phương pháp trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả cao, kinh tế gia đình anh Phúc cũng dần khá lên. Ngoài việc trồng trọt và chăn nuôi, anh còn đi làm phụ hồ xây dựng kiếm thêm thu nhập. Nhờ chăm chỉ làm việc, tích cóp, vợ chồng anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Cũng như gia đình anh Bàn Nho Phúc, các hộ dân khác cũng được chính quyền địa phương cấp đất để di dời từ rừng ra bên ngoài năm 2004, đến nay đều đã xây dựng được cơ ngơi khang trang.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm trên đất rừng vẫn gặp nhiều khó khăn, việc xác định ranh giới, mốc giới đối với đất đã giao cho tổ chức quản lý, sử dụng chưa rõ ràng.

Để khắc phục những hạn chế này, ngày 12/11/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2759/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành việc triển khai rà soát, điều chỉnh ranh giới quy hoạch VQG Tam Đảo, tạo tiền đề để triển khai các giải pháp phát triển rừng và di dời các hộ dân canh tác, sinh sống trong VQG Tam Đảo.

Đoàn kiểm tra thành lập 2 Tổ công tác làm nhiệm vụ rà soát diện tích đất người dân đã canh tác từ trước khi thành lập vườn; diện tích đã giao đất, giao rừng cho hộ gia đình; diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lâu dài từ trước khi thành lập vườn.

Tổng diện tích đất tiến hành rà soát là 1.098ha tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; các xã, thị trấn Tam Đảo, Đại Đình, Hồ Sơn, Minh Quang, Đạo Trù, Tam Quan, huyện Tam Đảo.

Công tác rà soát diện tích đất rừng bị chồng lấn với VQG Tam Đảo được thực hiện từ tháng 6/2021, đến nay, cơ bản đã hoàn thiện chờ trình cấp trên xem xét, xử lý. Sau đó, UBND tỉnh thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch của VQG Tam Đảo; đề xuất cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân sinh sống, canh tác trong khu vực rừng đặc dụng từ trước khi thành lập VQG Tam Đảo để các hộ dân di dời ra nơi ở mới; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ dân có đủ điều kiện, giúp người dân ổn định đời sống, sản xuất.

Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch thuộc VQG Tam Đảo nhưng do các đơn vị của tỉnh quản lý, đề nghị UBND tỉnh thực hiện thu hồi, bàn giao và cấp quyền sử dụng đất cho VQG Tam Đảo quản lý theo quy hoạch.

Cùng với việc rà soát, điều chỉnh ranh giới quy hoạch VQG Tam Đảo, các cấp chính quyền tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ tài nguyên rừng; không lấn chiếm, cơi nới diện tích đất rừng để trồng trọt, chăn nuôi và sớm thực hiện di dời ra khỏi khu vực rừng đặc dụng./.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.