Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng chiêng trên cao nguyên Măng Đen

PV - 10:18, 08/07/2019

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh Kon Tum, đồng bào các DTTS huyện Kon Plông hiện đang quản lý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả Di sản cồng chiêng Tây Nguyên. Đáng mừng ở chỗ, ngày càng có nhiều người trẻ, thanh-thiếu niên tham gia các đội cồng chiêng, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đích thực của cồng chiêng.

Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1, xã Đăk Long trình diễn tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Kon Plông lần thứ III năm 2019. Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1, xã Đăk Long trình diễn tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Kon Plông lần thứ III năm 2019.

Tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Kon Plông lần thứ III năm 2019 vừa diễn ra mới đây, tiết mục biểu diễn của Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1, xã Đăk Long đã được các đại biểu đánh giá rất cao về tính chuyên nghiệp. Trong đội hình biểu diễn cồng chiêng tại Đại hội, đa phần là những chàng trai, cô gái chỉ mới mười tám, đôi mươi.

“Già” nhất Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1, xã Đăk Long chính là Đội trưởng A Đruế, 28 tuổi. A Đruế chia sẻ với chúng tôi: “Từ thuở nhỏ, em đã được cha dạy cho cách đánh cồng chiêng. Em say mê tiếng cồng chiêng từ hồi 8-9 tuổi, đến năm học lớp 9 thì em thành thạo đánh cồng chiêng”.

Hiện, thôn Kon Vơng Kia 1 có 40 người biết sử dụng cồng chiêng. Trong đó, Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1 có 20 thành viên, trẻ tuổi nhất là em A Vinh, 14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Đăk Long. “Các thành viên trong đội coi nhau như anh em một nhà, chúng em thường xuyên luyện tập cùng nhau, người biết nhiều chỉ dạy cho người biết ít, vì tình yêu cồng chiêng, vì bản sắc của dân tộc”, A Vinh bộc bạch.

Những năm gần đây, Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1 có thu nhập khá ổn định từ việc tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Khu Du lịch sinh thái Măng Đen. Mỗi tháng, Đội cồng chiêng làng Kon Vơng Kia 1 tham gia biểu diễn từ sáu, bảy lần, mỗi lần có thể thu được từ 2,5-3 triệu đồng.

Cũng là một trong những người nặng lòng với cồng chiêng, từ nhiều năm nay, chị Y Lim, Đội trưởng Đội Cồng chiêng thôn Kon Bring, xã Đăk Long đã tích cực vận động thanh-thiếu niên trong làng tham gia Đội cồng chiêng. Với nỗ lực cá nhân, chị Y Lim đã phát triển Đội cồng chiêng của thôn Kon Bring từ 12 người (năm 2016) lên 30 người.

“Bao đời nay, cồng chiêng luôn gắn bó với đồng bào Mơ Nâm (nhóm địa phương dân tộc Xơ-đăng), là chiếc cầu nối giữa con người với thần linh, là phương tiện giao tiếp gắn kết cộng đồng. Thông qua tiếng cồng chiêng, đồng bào muốn gửi gắm tâm hồn, ước nguyện của mình tới các đấng thần linh và tổ tiên. Đồng thời bày tỏ mong muốn, khát vọng của dân làng về mùa màng bội thu, sức khỏe, hạnh phúc. Chúng tôi lưu giữ cồng chiêng chính là lưu giữ văn hóa truyền thống cho muôn đời sau”, chị Y Lim khẳng định.

A Đruế (ngoài cùng bên trái), Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1, xã Đăk Long trao đổi với các thành viên trước giờ biểu diễn. A Đruế (ngoài cùng bên trái), Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1, xã Đăk Long trao đổi với các thành viên trước giờ biểu diễn.

Ngoài việc tham gia biểu diễn cho những lễ hội, công việc của thôn, Đội Cồng chiêng thôn Kon Bring (với khoảng 16-18 thành viên) còn tham gia các lễ hội do tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông tổ chức, giao lưu với các đoàn thăm quan du lịch trong và ngoài tỉnh. Theo chị Y Lim, bình quân mỗi tháng Đội cồng chiêng thôn Kon Bring tham gia khoảng 10 cuộc biểu diễn.

“Nhiều khi đội còn phải “chạy sô” biểu diễn hai lần trong đêm tại nhà rông của thôn hoặc tại các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí trên địa bàn huyện. Vất vả nhưng ai cũng vui vì không chỉ có thêm thu nhập mà còn có dịp nâng cao kỹ thuật đánh cồng chiêng, quảng bá văn hóa dân tộc mình đến với du khách”, chị Y Lim chia sẻ.

Theo số liệu của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kon Plông cho thấy, toàn huyện hiện còn 495 bộ cồng chiêng được lưu giữ tại các hộ gia đình và Phòng Truyền thống của huyện. Có 4 đội cồng chiêng bán chuyên nghiệp để phục vụ các hoạt động du lịch, tham gia tuần lễ văn hóa và du lịch cũng như các hoạt động khác do huyện, tỉnh tổ chức. 100% số xã trên địa bàn đã thành lập đội cồng chiêng, tổ chức sinh hoạt ít nhất một tháng một lần. Hầu hết các thôn trên đều có đội cồng chiêng để thực hiện các nghi thức sinh hoạt khi có lễ hội…

Anh A Búp, cán bộ Văn hóa Thông tin huyện Kon Plông-người con của dân tộc Xơ-đăng tự hào nói: “Bây giờ, đến bất cứ làng nào trên địa bàn huyện cũng có thể thấy cồng chiêng và các đội cồng chiêng hoạt động sôi nổi. Mỗi khi trong làng có lễ hội hay các gia đình có việc lớn, đồng bào đều tổ chức đánh cồng chiêng để tạ ơn trời đất. Người già truyền dạy lại cho người trẻ, người trẻ dạy lại cho người trẻ hơn. Cứ như thế, cồng chiêng đi vào cuộc sống của đồng bào ở Kon Plông này rất tự nhiên và sâu sắc”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Thời gian qua, UBND huyện Kon Plông đã mở được 2 lớp truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho 60 học viên trẻ tuổi và đưa công tác giáo dục di sản Không gian văn hóa cồng chiêng vào trong trường học. Từ đó, khuyến khích các gia đình, cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.

Huyện cũng chú trọng phục dựng các lễ hội truyền thống, tạo điều kiện, hỗ trợ cấp cồng chiêng và có chế độ đãi ngộ đối với các đội cồng chiêng, các nghệ nhân có thành tích tiêu biểu, duy trì, tổ chức định kỳ ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội liên hoan cồng chiêng các cấp hằng năm làm nơi sinh hoạt văn hóa cho đồng bào DTTS.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục