Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng kèn trên rẫy

Xuân Hòa - 08:41, 03/05/2025

Nằm nép mình dưới chân những đồi cà phê bạt ngàn ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), buôn Trinh - một trong những buôn cổ của người Ê Đê vẫn giữ nhịp sống chậm rãi, trầm mặc. Dù trong những ngày Đông se lạnh hay giữa trưa Hè nắng cháy, đâu đó dưới bóng cây rừng, bên bến nước hay rẫy cà phê, vẫn vang vọng tiếng kèn đinh năm. Âm thanh da diết, dồn dập ấy như hòa nhịp với hơi thở của núi rừng.

Ông Ma Hớt thổi kèn bên thác.
Ông Ma Hớt thổi kèn bên thác.

Một lần tình cờ, chúng tôi bắt gặp ông Ma Hớt đang thổi kèn dưới chân thác Drai Êga. Âm thanh mộc mạc ấy không chỉ ngân vang từ đôi tay, đôi môi, mà còn vọng lên từ tâm hồn của một người mà cả buôn vẫn trìu mến gọi là "người giữ kèn".

`Ông Ma Hớt sống lặng lẽ như cây rừng. Ngày ngày, ông cần mẫn tưới nước, làm cỏ, bẻ cành cho rẫy cà phê. Nhưng với buôn làng, ông là kho báu sống- người cuối cùng ở thị xã Buôn Hồ còn biết làm, thổi và chỉnh âm kèn đinh năm, nhạc cụ thiêng từng vang lên trong các lễ cầu mưa, mừng lúa mới, lên nhà mới hay tiễn biệt người về với tổ tiên.

Với người Ê Đê, tiếng kèn không chỉ là âm nhạc mà còn là tiếng nói của tổ tiên, nhịp cầu nối giữa người sống và thế giới vô hình. Chính vì thế, kèn không bao giờ được thổi trong nhà, mà phải vang lên giữa rừng cây, bên dòng suối, nơi trời đất lắng nghe và lòng người rộng mở.

Phóng viên ghi hình ông Ma Hớt thổi kèn bên suối.
Phóng viên ghi hình ông Ma Hớt thổi kèn bên suối.

Chiếc kèn đinh năm được tạo nên từ những chất liệu giản dị nhất của núi rừng: một ống nứa già được chọn lựa kỹ, một trái bầu khô làm bầu kèn, đặc biệt là lưỡi gà vót từ nứa non, mỏng mềm, gắn với độ chính xác tuyệt đối. Tất cả được kết nối bằng sáp ong bầu đen- thứ chất liệu quý hiếm từ rừng vừa giữ hơi, vừa tạo độ nén và điều chỉnh sắc âm.

Không có khuôn mẫu, cũng chẳng có bản vẽ, mỗi chiếc kèn là một tác phẩm mang dấu ấn riêng, phụ thuộc hoàn toàn vào cảm âm và kinh nghiệm của người làm. Ông Ma Hớt nói: "Làm được kèn đã khó, chỉnh được kèn còn khó hơn." Có chiếc kèn, ông mất đến bốn tháng để chỉnh sửa, sao cho tiếng kèn vang lên mang được cái trầm của thác, cái ngân của rừng, cái lặng sâu của tâm hồn.

Người Ê Đê không thổi kèn để giải trí. Tiếng kèn đinh năm là âm thanh thiêng, gắn liền với điệu hát Ayray - vừa như lời ru, vừa như lời khấn. Đó là tiếng kèn tiễn biệt người đã khuất trong lễ tang, là tiếng kèn cầu đất trời trong lễ cầu mưa, là tiếng kèn cảm tạ mùa màng trong lễ mừng lúa mới. Khi ấy, kèn trở thành tiếng nói của trời, là tiếng lòng gửi đến ông bà tổ tiên.

Phút ngẫu hứng của ông Dinh Hớt với kèn đinh năm.
Phút ngẫu hứng của ông Dinh Hớt với kèn đinh năm.

Theo Tiến sĩ văn hóa Tuyết Nhung B’Krông, người Ê Đê tin rằng: “Thổi kèn trong nhà là phạm. Kèn chỉ được vang ngoài trời, nơi tổ tiên nghe thấy, trời đất chứng giám".

Ma Hớt nói, không ai thuê ông làm kèn. Cũng không ai trả công để ông giữ tiếng đinh năm. Thế nhưng, suốt gần 70 mùa rẫy, ông vẫn cần mẫn làm, chỉnh và mang kèn ra bờ suối thổi. "Không giữ thì mất. Mất tiếng kèn là mất luôn tiếng nói của tổ tiên," ông vừa nói vừa cười.

Giữa làn gió Tây Nguyên lồng lộng, tiếng kèn của ông vang lên rồi tan vào cỏ cây, mây núi như một huyền thoại dần khuất bóng, vừa quen thuộc, vừa xa xôi.

Ngày nay, giữa nhịp sống hiện đại, khi lớp trẻ dần xa rời bản sắc, tiếng kèn đinh năm cũng thưa vắng dần. Những nghệ nhân như ông Ma Hớt ngày càng hiếm hoi. Thế nhưng, dù chỉ còn một người thổi kèn, âm thanh ấy vẫn là hơi thở của văn hóa, là dấu vết của một nền văn minh rẫy rừng từng sống động và linh thiêng.

Tin cùng chuyên mục
Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Non sông gấm vóc - Một dải vinh quang”

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Non sông gấm vóc - Một dải vinh quang”

Tối 3/5, tại Sân vận động tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên đã long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Non sông gấm vóc - Một dải vinh quang” kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025); 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025); 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).