Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ama H’Loan với tình yêu âm nhạc dân tộc

Hồng Minh - 15:53, 25/04/2020

Tôi gặp nghệ nhân Ama H’Loan trong ngôi nhà dài của người Ê-đê tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) khi ông đang ngồi chơi đinh năm - một loại nhạc cụ truyền thống của người Ê-đê. Nhìn ông cầm nhạc cụ trên tay và biểu diễn say sưa, tôi mới hiểu hết được tình yêu của người nghệ nhân đã ở tuổi 80 dành cho văn hóa dân tộc mình.

Nghệ nhân Ama H’Loan biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội)
Nghệ nhân Ama H’Loan biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội)

Sinh ra và lớn lên ở buôn làng người Ê-đê thuộc xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (Đăk Lăk), những mạch nguồn văn hóa của người Ê-đê thấm sâu vào tâm thức của “lão nghệ nhân” Ama H’Loan.

Năm 10 tuổi, bằng đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê và tinh thần chịu khó học hỏi từ nghệ nhân lớn tuổi, ông đã chế tác được những nhạc cụ tre, nứa đầu tiên. Không chỉ dành tình yêu cho nhạc cụ dân tộc, ông Ama H’Loan còn mang tình yêu đó vào tình yêu đất nước. Năm 13 tuổi, ông xung phong tham gia làm cách mạng.

Âm nhạc truyền thống cùng ông trên mọi nẻo đường trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến những năm sau giải phóng, khi ông làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn rồi công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đăk Lăk và nghỉ hưu năm 2000.

Sau khi nghỉ hưu, nghệ nhân Ama H’Loan có nhiều thời gian hơn để dành cho niềm đam mê nhạc cụ truyền thống. Trăn trở trước thực trạng những nhạc cụ dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền, ông đã tự mình đi nhiều nơi, gặp nhiều người để sưu tầm, ghi chép lại tài liệu về nhạc cụ của người Ê-đê. Nhờ đó, ông am hiểu và nắm vững cấu trúc cũng như diễn xướng và chế tác thành thạo nhạc cụ truyền thống. 

Nghệ nhân Ama H’Loan là người đầu tiên sử dụng gỗ xoan, gỗ hương, gỗ trắc để chế tác kipăh (tù và) để thay thế sừng trâu. Những chiếc kipăh của ông chế tác bằng nguyên liệu này có âm thanh không kém so với làm bằng sừng trâu.

Không chỉ chế tác thành thạo, nghệ nhân Ama H’Loan còn sử dụng nhuần nhuyễn, am hiểu, nắm vững cấu trúc cũng như diễn xướng nhạc cụ truyền thống từ tre nứa đến cồng chiêng Ê-đê. Ông là một trong số nghệ nhân hiếm hoi ở Đăk Lăk giữ được bí quyết tạo ra thanh âm, điệu thức chuẩn xác và giàu bản sắc nhất cho mỗi loại nhạc cụ làm bằng tre, trúc. Ông cũng là người có khả năng thẩm âm, chỉnh chiêng theo đúng chuẩn của âm nhạc truyền thống dân gian Tây Nguyên. 

Cũng vì thế, ông được Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk mời về để nhờ chỉnh chiêng, phục chế nhạc cụ và là người giới thiệu với du khách các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Ê-đê. Ngoài ra, ông đã giúp sửa chữa, hoàn thiện nhiều bộ chiêng hỏng ở các buôn làng trong tỉnh. 

Năm 2014, ông có dịp cùng các nghệ nhân của tỉnh Đăk Lăk đi biểu diễn trong Chương trình Festival âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo tại Phần Lan. Tại đây ông đã có dịp giới thiệu văn hóa Ê-đê với thế giới.

Nói về nỗi lo mai một nhạc cụ truyền thống, Ama H’Loan cho biết, cả tỉnh Đăk Lăk hiện chỉ còn 2 nghệ nhân nhạc cụ truyền thống, ngoài ông ra, còn Ama Kim. “Thế hệ trẻ bây giờ mê các loại nhạc cụ du nhập từ nước ngoài hơn là thích những nhạc cụ truyền thống của ông cha. Người biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc ngày càng hiếm hoi. Giờ đây, ở các buôn làng không còn mấy người biết chế tác, chỉnh sửa nhạc cụ nữa. Tôi tuổi cao, sức yếu, chỉ mong có người kế thừa nhưng vẫn chưa tìm được”, nghệ nhân trải lòng.

Mong rằng nghệ nhân Ama H’Loan sẽ sớm tìm được người giữ lửa tình yêu với nhạc cụ của người Ê-đê để những tiếng chiêng, đinh puốt, đinh năm được vang mãi ở mỗi buôn làng.