Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tiếng khèn Mông và mô hình trường học du lịch

Phạm Việt Thắng - 18:26, 14/04/2023

Ngọn Pu Lon - chứng nhân của những tiếng khèn, đã có nhiều năm tháng buồn thiu vì thưa vắng thanh âm trầm bổng, réo rắt của người Mông. Miền rét sương ấy đã ấm vui trở lại bởi tiếng khèn lại rộn rã, dìu dặt cùng với những điệu múa đắm say hòa lẫn trong mây của các em học sinh Trường PTCS Dân tộc Bán trú (PTCSDTBT) Tây Sơn (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Tiết mục múa “Ăn Tết”
Tiết mục múa “Ăn Tết”

Những tiếng khèn chưa tròn

Buổi trưa ở Tây Sơn mà trời vẫn cứ mờ sương. Có vẻ như cả thầy và trò Trường PTCSDTBT Tây Sơn không còn vướng víu gì đến cơn lũ quét kinh hoàng hồi cuối năm 2022. Các thành viên Câu lạc bộ bảo tồn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông của nhà trường không thiếu một ai. Dù vừa đạt giải Nhì hội thi văn nghệ cấp huyện, nhưng các em vẫn say sưa luyện tập. Hôm nay họ tập bài múa “Ăn Tết”.

Màn trình diễn của các em gần như tổng hợp đầy đủ các loại hình nghệ thuật của người Mông trong những ngày đón chào năm mới. Từ thổi sáo, thổi khèn, ném bóng, múa… Và tuyệt nhất là màn trình diễn vừa thổi khèn, vừa nhào lộn của một số bạn nam.

Vừa Y Nhìa không chỉ múa giỏi mà thồi khèn cũng rất hay
Vừ Y Nhìa không chỉ múa giỏi mà thồi khèn cũng rất hay

Chương trình này hơi dài, nhưng không một “hạt sạn” nào bị lộ ra. Thầy giáo Vi Văn Hùng, Tổng phụ trách Đội của nhà trường nhận xét: “Hôm nay các em làm rất tốt, hơn cả sự mong đợi của thầy”. Đoạn thầy giải thích với tôi: Màn biểu diễn này hơi phức tạp, ví như tiết mục vừa thổi khèn, vừa nhào lộn, các em phải tập mãi, phải thực sự yêu thích mới làm được. Bởi khi nhào lộn buộc vẫn phải giữ được tiếng khèn đúng nhịp, đúng điệu, nếu không thì không chỉ thổi sai mà còn dẫn đến đội múa lạc điệu.

Tôi ngẩn ngơ trước những ánh mắt đắm đuối theo điệu tay đưa, lúng liếng khi chuyển làn; những đôi bàn tay như búp măng rừng, vừa mềm mại lại vừa khỏe khoắn khi chuyển từ điệu múa ô sang điệu ngựa phi… Thầy Hùng lại tiếp: Đây là tiết mục tự biên tự diễn, do tôi biên soạn.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại, thầy là người Thái, sao có thể dàn dựng được các tiết mục văn nghệ của người Mông?

Phải học thôi anh. Tôi là thành viên của Đội văn nghệ quần chúng huyện Kỳ Sơn, nên học được rất nhiều từ các nghệ nhân người Mông. Ngoài ra, chúng tôi có mời bác Vừ Lầu Phổng, nghệ nhân thổi khèn, thỉnh thoảng đến dạy cho các em. Nếu không có bác Phổng, chắc nay mai, ở Tây Sơn không ai còn được nghe tiếng khèn nữa rồi...

Tiếng khèn của em Vừ Bá Ry – học sinh lớp 8A – Trường THPTCS dân tộc bán trú Tây Sơn
Tiếng khèn của em Vừ Bá Ry, học sinh lớp 8A, Trường THPTCS dân tộc bán trú Tây Sơn

Trường học du lịch

Tiến sĩ Lã Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Kỳ Sơn là miền quê giàu tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch văn hóa dân gian. Tham vọng của chúng tôi là xây dựng mô hình trường học du lịch, qua đó để rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cơ bản của những nghề tiềm năng trong ngành Du lịch; đồng thời giúp học sinh có ý thức học tập, hướng nghiệp trong tương lai.

"Tham vọng của chúng tôi là xây dựng mô hình trường học du lịch, qua đó để rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cơ bản của những nghề tiềm năng trong ngành du lịch; đồng thời giúp học sinh có ý thức học tập, hướng nghiệp trong tương lai. Riêng việc thành lập Câu lạc bộ, trước nhất là thu hút sự quan tâm của học sinh, nhen lên tình yêu, niềm tự hào về giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mông...”.


Tiến sĩ Lã Thị Thanh HuyềnPhó Hiệu trưởng Trường PTCSDTBT Tây Sơn

Riêng việc thành lập Câu lạc bộ, trước nhất là thu hút sự quan tâm của học sinh, nhen lên tình yêu, niềm tự hào về giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mông, để các em có trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình... Ngoài ra, tham gia Câu lạc bộ, các em còn được truyền thông về nhiều chuyên đề khác như chống tảo hôn, từ bỏ các hủ tục…

Cô Huyền thành thật: Qua khảo sát, mới chỉ có 41,58% số học sinh cho rằng các hoạt động du lịch là rất quan trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi nản chí. Nguyên nhân một số em chưa hiểu hết tầm quan trọng của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế, đối với sự thay đổi đời sống của bản thân, gia đình, làng bản.

“Ngay chỉ việc nếu có khách du lịch, các em được tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ họ thôi, cũng sẽ thay đổi suy nghĩ, tư duy của các em. Bởi các em sẽ dần hiểu, du lịch không chỉ có “đi chơi”, mà còn được trải nghiệm, thưởng thức, cảm nhận rất nhiều điều. Làm du lịch không chỉ có múa hát mà còn phải hướng dẫn du khách, quản lý, quảng bá, maketing du lịch…, cô Huyền khẳng định.

Em Vừ Bá Tuấn: Em ước sao du khách đến quê em ngày càng nhiều
Em Vừ Bá Tuấn: Em ước sao du khách đến quê em ngày càng nhiều

Em Vừ Bá Tuấn, học sinh lớp 9A tâm sự: “Ngoài múa hát, thổi khèn, chúng em còn được các thầy, cô giáo giới thiệu về tiềm năng du lịch của xã nhà, về một số kỹ năng làm du lịch. Em ước sao du khách muôn nơi sẽ đến quê em ngày càng nhiều. Các địa danh đẹp, trong lành như bản Huồi Giảng 1, Huồi Giảng 2, ở đó có loài sâm quý bảy lá một hoa; hay như khách sẽ đến với núi Sí Dì, nơi có rừng Pơ Mu đẹp như trong tranh và khí hậu thì rất chi là mát mẻ”.

Tạm biệt Pu Lon, tạm biệt thầy và trò Trường PTCSDTBT Tây Sơn mà không khỏi bịn rịn trong lòng. Ngọn Pu Lon đã buông màn đi ngủ. Vội vã trong chạng vạng mà tiếng khèn Mông cứ níu giữ chân tôi. Những thanh âm dẫu chưa tròn trịa, điệu khèn chưa thành ngón nghề, nhưng đã và sẽ ngân xa…

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.