Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ tiếng khèn Mông

Vũ Lợi - 11:59, 25/02/2021

Trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông vùng cao Tây Bắc, tuy có nhiều loại nhạc cụ truyền thống (nhị, sáo, đàn môi, khèn lá, trống…) nhưng khèn là nét văn hóa đặc trưng nhất. Với họ, cây khèn giống như “bảo vật” mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần và luôn được gìn giữ cẩn thận.

Tiếng khèn Mông thay lời tỏ tình mùa Xuân.
Tiếng khèn Mông thay lời tỏ tình mùa Xuân

Nét văn hóa đặc sắc của người Mông

Trên những bản làng của đồng bào Mông ở miền đất địa đầu  của Tổ quốc luôn ngập tràn tiếng khèn, lúc dập dìu khoan thai, lúc ào ạt sôi nổi như chính giai điệu của cuộc sống vùng cao. Đồng bào Mông sống phóng khoáng, yêu thiên nhiên, dẫu đói dẫu no, người Mông và cây khèn vẫn chung thủy cả đời. Tiếng khèn cất lên bên bếp lửa hồng bập bùng làm ấm lòng người và xua tan cái giá lạnh nơi đỉnh trời heo hút. Cây khèn truyền từ đời này sang đời khác theo người Mông đi khắp núi rừng. Bất cứ ở đâu có người đàn ông Mông là ở đó vang lên tiếng khèn. Nhờ tiếng khèn, người ta gửi gắm tâm hồn tình cảm của mình với bạn bè, cộng đồng và giao hòa với thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ.

Trên đỉnh núi mây mù Thẩm Háy (thuộc xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) quanh năm luôn vang xa tiếng khèn Mông trầm bổng. Chủ nhân của thứ âm thanh trong trẻo, bộc lộ vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao hùng vĩ ấy chính là già làng Lý A Lệnh - người hiếm hoi trong vùng am hiểu cách chế tác những chiếc khèn Mông đạt chuẩn âm truyền thống. Cũng vì chơi khèn hay và chế tác giỏi nên ông được mọi người nể trọng và rất có uy tín trong bản.

Ông Lệnh cho biết, chế tác ra một cây khèn chuẩn âm truyền thống của người Mông thì lắm công phu, cầu kì và không phải ai cũng biết làm, vì đòi hỏi sự am hiểu, tỉ mỉ, kinh nghiệm, chuẩn xác, nhất là khả năng thẩm âm tốt. Bộ dụng cụ với đủ các loại dao, lưỡi bào tự tay làm ra vì thị trường không bán. Hoàn thiện một chiếc khèn từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến công đoạn đẽo gọt, mài rũa các bộ phận, cắt ống khèn, rùi lỗ, lắp lá đồng và lắp ráp cũng mất cả một thời gian dài mới xong. Riêng việc lắp ráp các bộ phận của cây khèn với nhau, thử và chỉnh sửa âm thanh, trang trí, tạo phần chắc chắn cho cây khèn cũng phải mất 3 ngày làm liên tục…

Khèn Mông có 2 loại, loại có âm thanh bổng là khèn ngắn và loại có âm thanh cao là khèn dài. Các dóng trúc ghép vào bầu khèn được sắp xếp theo thang, bậc để tiếng khèn lúc cất lên cảm nhận như âm thanh "chảy" lan trong lòng trúc, quyện với bầu pơ mu thơm và quý. Không chỉ là nhạc khí, khèn Mông còn là đạo cụ múa, nên lúc chế tác ống trúc cũng được uốn, tạo dáng phù hợp với dáng khum người (múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm…) khi biểu diễn.

“Người Mông khi vui, khi buồn đều mang khèn ra thổi như gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của mình trong tiếng khèn. Vào mùa Xuân hay những dịp lễ hội, tiếng khèn của người Mông vang vọng khắp núi rừng đánh thức chim muông, vạn vật. Tiếng khèn là phần hồn, thấm sâu vào máu thịt của người Mông. Âm thanh của tiếng khèn là cuộc sống, là tâm hồn, cốt cách của người Mông…”, ông Lệnh bộc bạch.

Cây khèn có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Mông.
Cây khèn có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Mông.

Giữ linh hồn cho tiếng khèn Mông

Huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) luôn có sức hút với du khách bởi nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông địa phương. Ở đó chưa khi nào vắng bóng thứ âm thanh réo rắt của loại nhạc cụ khèn truyền thống. Từ thị trấn của huyện, chúng tôi ngược đỉnh đèo gió đến ngôi nhà của nghệ nhân Giàng A Sử, nằm giữa bản Huổi Lếch, xã Mường Báng. Trong ngôi nhà này, những chiếc khèn lần lượt ra đời và theo chân các chàng trai Mông đến với khắp bản gần xa.

Ông Giàng A Sử năm nay bước qua tuổi 90 và đã có hơn 60 năm làm nghề chế tác khèn. Chia sẻ về “cái duyên” đến với cây khèn Mông, ông Sử kể: Mình đã gắn bó với nó như một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Thủa nhỏ, mỗi lần theo cha xuống núi đi chợ phiên, đi chơi hội “gầu tào”, tiếng khèn đã níu giữ và hằn sâu vào tâm trí. Ngày đó, cũng như bao chàng trai Mông khác, ông Sử học thổi khèn để chứng tỏ mình là một chàng trai mạnh mẽ, cuốn hút. Nhưng để có khèn thổi, năm 17 tuổi, ông bắt đầu học để tự chế tác ra một chiếc khèn hoàn chỉnh cho riêng mình. Qua hàng chục năm tôi luyện, đôi tay chế tác của ông đã trở nên điêu luyện.

Trước đây còn khỏe, vào những dịp lễ hội của người Mông, ông Sử lại băng rừng, vượt suối để có mặt tại các bản vùng cao tham gia biểu diễn khèn Mông và trao truyền các kỹ năng múa khèn, làm khèn cho thế hệ trẻ các bản làng. Vũ điệu tổng hòa của bước chân, của cơ thể và âm thanh của cây khèn dưới những ngón tay tài hoa hòa quyện với nhau, giúp cho người thưởng thức có những rung cảm và tình yêu đối với cây khèn thật sự.

Giờ đây bước sang tuổi “xế chiều” ông Sử đã kịp trao nghề chế tác khèn cho 1 trong 4 người con trai của ông. Ngày ngày, dưới hiên nhà, ông Sử vẫn luôn ở bên con kèm cặp, hỗ trợ chỉnh âm và tấu lên những giai điệu phơi phới niềm vui bên những chiếc khèn mới được làm ra.

Lớp trẻ học cách chế tác khèn Mông.
Lớp trẻ học cách chế tác khèn Mông.

Cùng với gia đình ông Sử, hiện nay trên địa bàn huyện Tủa Chùa đang khuyến khích và duy trì 2 cơ sở chế tác khèn Mông, phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của người Mông trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc chế tác, nghệ thuật thổi khèn, múa khèn Mông vào dịp lễ, tết và thực hiện các nghi lễ vòng đời được coi là một trong những phong tục truyền thống đặc trưng, để bảo tồn nét đẹp văn hóa.

Cho dù cuộc sống luôn đổi thay nhưng với người Mông, chiếc khèn luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống. Và trong bản làng vẫn còn đó những người như ông Sử, ông Lệnh đang “truyền lửa” để gìn giữ giá trị văn hoá của dân tộc mình cho thế hệ con, cháu mai sau.