Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng khèn rơi xuống từ mây, bay lên từ đá

Song An - 14:43, 15/09/2023

Huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) là địa phương có đông đồng bào Mông sinh sống. Trải qua nhiều cuộc thiên di, đồng bào nơi đây vẫn kiên gan “bám đá” để làm nên bề dày lịch sử của một vùng đất và sản sinh ra những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Về với Cao nguyên Tủa Chùa hôm nay, giữa tầng tầng, lớp lớp đá xám, âm thanh réo rắt của những cây khèn Mông vẫn có sức hút đặc biệt.

Thanh niên người Mông thường dùng tiếng khèn để thể hiện tài năng trước bạn gái
Thanh niên người Mông thường dùng tiếng khèn để thể hiện tài năng trước bạn gái

Thanh âm vùng cao

Từ trung tâm thị trấn Tủa Chùa, lần theo những âm thanh réo rắt, da diết của tiếng khèn Mông vọng lại, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của nghệ nhân Giàng A Sử. Ông là một trong số rất ít nghệ nhân của tỉnh Điện Biên vừa biết thổi lại vừa chế tác ra cây khèn Mông.

Bản vùng cao Huổi Lếch, xã Mường Báng - nơi ông Sử đang sinh sống nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi. Bên hiên nhà, người đàn ông ngoài 80 tuổi vẫn say sưa trong điệu khèn. Ông bảo, đó là thứ nhạc cụ đã nuôi dưỡng tâm hồn ông và đồng bào nơi đây suốt nhiều đời qua.

Học thổi khèn từ bé, nhưng đến tận năm 17 tuổi ông Sử mới tự chế tác được một chiếc khèn hoàn chỉnh. Rồi phải mất hơn chục năm “thổi hồn” cho nó để có thể phát ra được âm thanh chuẩn như mong muốn. Bây giờ thì đôi tay chế tác của ông đã trở nên điêu luyện.

Còn ông Sình A Tâu, thôn 4, xã Sính Phình là một trong những người giỏi nhất về nghệ thuật thổi và múa khèn trên Cao nguyên Tủa Chùa. Thuần thục hàng chục điệu khèn và hàng trăm bài hát, nên không có sự kiện văn hóa nào của địa phương mà thiếu ông tham gia.

Ông Tâu chia sẻ, đam mê tiếng khèn từ nhỏ, trải qua hàng chục năm học hỏi, tích lũy, hiện nay ông đang sở hữu kho kiến thức phong phú về những điệu múa khèn. Nhiều năm qua, ông Tâu tham gia biểu diễn tại nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh và giành được nhiều giải thưởng.

Các nghệ nhân người Mông ở Tủa Chùa múa khèn
Các nghệ nhân người Mông ở Tủa Chùa múa khèn

Với kiến thức sâu rộng về khèn Mông, năm 2019, ông Sình A Tâu được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú trình diễn nghệ thuật dân gian cấp tỉnh. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với ông chính là tiếng khèn Mông vẫn cất lên trong những dịp Tết đến, Xuân về và được người dân ủng hộ.

“Mỗi lần được mời đi múa khèn, tôi rất tự hào vì có thêm cơ hội mang văn hóa dân tộc đến gần hơn với nhiều người. Bởi vậy tôi luôn cố gắng luyện tập, đổi mới để tiếng khèn hay và đa dạng hơn”, ông Tâu bộc bạch.

Ông Đặng Tiến Công, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: “Với đồng bào người Mông, cây khèn không chỉ đơn thuần là nhạc cụ để gửi gắm, thổ lộ tâm tình mà còn được xem như sợi dây, phương thức kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh. Trong các nghi lễ đời sống, không thể thiếu tiếng khèn. Bởi vậy, các dòng họ người Mông ở đây vẫn ý thức cao việc truyền dạy khèn cho thế hệ trẻ”.

Cũng theo ông Công thông tin, ngoài gia đình ông Sử, hiện nay ở Tủa Chùa đang có 2 cơ sở chế tác khèn Mông phục vụ không chỉ nhu cầu trong huyện, trong tỉnh mà còn cho các vùng lân cận có đồng bào Mông sinh sống.

Các nghệ nhân người Mông ở Tủa Chùa trao đổi, chia sẻ về nghệ thuật múa khèn
Các nghệ nhân người Mông ở Tủa Chùa trao đổi, chia sẻ về nghệ thuật múa khèn


Nỗ lực trao truyền

Nhiều năm qua, ông Sình A Tâu vẫn miệt mài truyền dạy miễn phí thổi và chế tác khèn Mông cho thế hệ trẻ. Đơn cử như lớp học khôi phục, bảo tồn khèn Mông truyền thống tổ chức năm 2020 với 10 thành viên tham gia. Trong suốt 3 tháng, đều đặn hằng ngày, ông Tâu ân cần, chỉ dạy cho từng người kiến thức thổi khèn, múa khèn.

Tuy nhiên, do hạn hẹp về kinh phí, công tác tổ chức những lớp học quy mô như vậy không được nhiều. Ông Tâu chủ yếu truyền dạy tự do trong mọi hoàn cảnh, thời gian. Học trò của ông đa phần là thanh niên người Mông trong thôn, trong xã. Ngoài ra, ông còn tham gia giới thiệu về khèn Mông tại các hoạt động ngoại khóa của các trường học tại địa phương.

Cùng với chế tác, nghệ thuật thổi khèn, múa khèn Mông cũng đang được huyện Tủa Chùa nỗ lực bảo tồn. Từ năm 2009, địa phương này đã xây dựng thành công dự án khôi phục những nét đặc sắc của văn hóa khèn Mông, duy trì một lớp dạy thổi và múa khèn cho lớp trẻ.

Anh Thào A Tùng (thôn Sông Ún, xã Mường Báng) là người trẻ tuổi nhất ở huyện Tủa Chùa vừa biết thổi khèn và làm khèn Mông. Anh Tùng cho biết, anh đam mê tiếng khèn từ bé và được bố truyền dạy cách thổi, chế tác khèn. Sau nhiều năm học hỏi, giờ đây anh đã có thể tự tay làm được cây khèn truyền thống của dân tộc mình.

Những ngôi nhà của đồng bào Mông ở Tủa Chùa ẩn hiện sau tầng lớp đá tai mèo
Những ngôi nhà của đồng bào Mông ở Tủa Chùa ẩn hiện sau tầng tầng lớp lớp đá tai mèo

“Cây khèn không chỉ là nhạc cụ thân thiết, gần gũi với cuộc sống thường ngày mà còn là nét biểu trưng cho văn hóa cộng đồng dân tộc Mông. Cây khèn mang giá trị tâm linh, gắn liền với cuộc sống tinh thần của đồng bào Mông. Vì thế, dù ở thời đại nào, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực gìn giữ”, anh Tùng trải lòng.

Hằng năm, các địa phương trong huyện Tủa Chùa vẫn đều đặn tổ chức nghệ thuật múa khèn trong các hội Xuân. Dịp tết Nguyên đán năm 2023, lần đầu tiên nghệ thuật này được lựa chọn đưa vào giao lưu với quy mô cấp huyện.

Hội thi không chỉ tạo sân chơi để các nghệ nhân giao lưu, gặp gỡ mà còn là cơ hội để sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy các loại hình biểu diễn của khèn Mông. “Theo định hướng, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa tiếng khèn Mông trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Hiện tại, cây khèn đang là một trong những hình ảnh biểu trưng mà huyện lựa chọn để giới thiệu, quảng bá về Tủa Chùa”, ông Đặng Tiến Công cho biết thêm.