Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Trường Sơn Xanh” mở lối cho phụ nữ Pa Kô làm du lịch

Khánh Ngân - 12:59, 01/10/2022

Tiếng khèn bè, điệu múa Ra Zooc và nhiều hoạt động trải nghiệm khác của người Pa kô ở làng A Nôr, xã Hồng Kim (A Lưới, Thừa Thiên- Huế) trong những Homestay, đã níu bước chân du khách. Từ dự án Trường Sơn Xanh tập huấn làm du lịch, những người phụ nữ Pa kô dần biến ngôi làng thân yêu của mình trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn.

Đội văn nghệ làng du lịch cộng đồng A Nôr trong đêm hội cùng du khách
Đội văn nghệ làng du lịch cộng đồng A Nôr trong đêm hội cùng du khách

Từ dự án mở lối..

Dự án Trường Sơn Xanh chính thức khởi động năm 2018, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho 2 tỉnh: Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Dự án đã đầu tư 23,9 triệu đô la Mỹ hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ các cộng đồng địa phương và dân tộc thiểu số đa dạng cải thiện sinh kế.

Tại Thừa Thiên - Huế, dự án Trường Sơn Xanh triển khai hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 10 triệu USD. Dự án với nhiều hợp phần, được triển khai ưu tiên tại 7 huyện, thị xã gồm: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà. Đáng chú ý, dự án Trường Sơn Xanh đã góp phần xây dựng thành công mô hình làng du lịch sinh thái tại A Nôr, xã Hồng Kim, huyện vùng cao A Lưới.

Thác A Nôr, điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất ở Thừa Thiên - Huế
Thác A Nôr, điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất ở Thừa Thiên - Huế

Cộng đồng người Pa Kô ở thôn A Nôr sinh sống rất gần rừng, đây là vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Ngoài sở hữu một khung cảnh thơ mộng với nhiều cảnh sắc, người Pa Kô ở A Nôr còn sở hữu nét văn hóa đậm đà bản sắc. Để giúp đồng bào Pa Kô cải thiện sinh kế và tận dụng tối đa về lợi thế, chương trình Trường Sơn Xanh đã lên các phương án để giúp phụ nữ Pa Kô biến ngôi làng thân yêu của mình trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Bắt tay vào thực hiện dự án, khoảng 60 học viên người Pa Kô (50% nữ giới) ở A Nôr được tập huấn về định hướng du lịch sinh thái cộng đồng. Ngoài ra, các kỹ năng quản lý, vận hành điểm du lịch cộng đồng cũng được dự án tổ chức tập huấn. 

Để cho học viên có điều kiện thực tế, Dự án cũng đưa học viên và đội ngũ quản lý du lịch sinh thái cộng đồng của thôn A Nôr đi thăm quan học tập tại Quảng Bình.

Gội đầu bằng nước lá rừng truyền thống của người Pa Cô, một trải nghiệm tuyệt vời ở làng du lịch A Nôr
Gội đầu bằng nước lá rừng truyền thống của người Pa Cô, một trong những trải nghiệm tuyệt vời ở làng du lịch A Nôr

Cùng với đó, chính quyền xã Hồng Kim, huyện A Lưới cũng hỗ trợ đồng bào Pa Kô nâng cao chất lượng cuộc sống. Địa phương đã đầu tư 3,2 tỷ đồng vào hạng mục xây dựng, nâng cấp đường giao thông và bãi để xe, hình thành cơ sở hạ tầng thuận tiện hơn để đón khách du lịch tại làng du lịch A Nôr.

Với lợi thế có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, bản sắc văn hóa đặc sắc, lại được dẫn lối chuyên nghiệp của dự án Trường Sơn Xanh, A Nôr đang hướng tới một tương lai rộng mở. Rồi tiếng khèn bè…và cả điệu nhảy Ra Zooc của phụ nữ Pa Kô sẽ vang xa trên dãy Trường Sơn.

Chị Hồ Thị Sâm cùng đội dịch vụ ở làng du lịch A Nôr chuẩn bị thức ăn cho du khách ở Homestay
Chị Hồ Thị Sâm cùng đội dịch vụ ở làng du lịch A Nôr chuẩn bị thức ăn cho du khách ở Homestay

Đến làng du lịch A Nôr

Chiều A Lưới, mặt trời tắt bóng thật nhanh, màn đêm chầm chậm buông xuống, chị Hồ Thị Sâm đã thay bộ váy thổ cẩm dệt từ vải dèng truyền thống của người Pa Kô, rồi háo hức sang Homestay ngay cạnh nhà để tham gia biểu diễn văn nghệ. Năm nay 35 tuổi, chị Hồ Thị Sâm hiện là quản lý một Homestay ở làng du lịch A Nôr. Cùng với chị Sâm, những người phụ nữ ở A Nôr đang từng ngày làm cho ngôi làng thân yêu của mình trở thành điểm đến hấp dẫn hơn.

Vừa chuẩn bị đồ ăn cho khách chị vừa dặn tôi: Tối ở lại nhé, sang Homestay bên cạnh xem văn nghệ cho vui. Cũng giống như bao phụ nữ Pa Kô ở A Nôr khác, chị Hồ Thị Sâm chỉ quen với nương rẫy. Thế nhưng từ ngày thành lập làng du lịch cộng động A Nôr, cuộc sống đã thay đổi hẳn. Ngoài công việc quản lý, chị còn tham gia vào đội văn nghệ, chuẩn bị đồ ăn để phục vụ du khách. Nhờ được tập huấn nên chị thực hiện các khâu rất chuyên nghiệp.

Chị Sâm chia sẻ, đó là một công việc mang lại cho mình thu nhập, hơn nữa mình ca hát, nhảy múa để phục vụ du khách, du khách xem để giải trí, còn bản thân mình hát, múa cũng là cách giải trí, đem lại sự sảng khoái, vui vẻ cho bản thân.

Chị em phụ nữ Pa Kô hướng dẫn du khách trải nghiệm làm bánh
Chị em phụ nữ Pa Kô hướng dẫn du khách trải nghiệm làm bánh

Làng A Nôr có 23 nóc nhà, thì có đến 6 Homestay. Hiện chị Sâm đang tham gia vào đội dịch vụ của Làng du lịch cộng đồng A Nôr, phục vụ cho cụm 6 Homestay trong khu du lịch. Đội dịch vụ hiện tại có 10 chị em phụ nữ, hoạt động từ năm 2018. 

Ngoài văn nghệ, đội dịch vụ còn hướng dẫn khách trải nghiệm làm bánh A quát, giã gạo, sàng gạo, xông răng, gội đầu bằng nước lá rừng và chế biến các món ăn truyền thống cùng nhiều hoạt động khác mang đậm bản sắc văn hóa của người Pa Kô.

Nếu chỉ tham gia hoạt động văn nghệ vào buổi tối, mỗi người sẽ nhận được từ 50.000 - 100.000 đồng/buổi. Phục vụ thêm các dịch vụ như nấu ăn, các hoạt động trải nghiệm khác tại Homestay, các chị được chia thêm từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Đây là khoản thu nhập không nhỏ giúp người Pa Kô ở A Nôr cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chị Hồ Thị Chiu (36 tuổi) ở thôn A Nôr chia sẻ: Số tiền kiếm được từ công việc tham gia trong đội dịch vụ, hoặc tham gia biểu diễn văn nghệ vào các buổi tối, đã giúp chị có thêm tiền để mua sách vở cho con đến trường, sắm cho bọn trẻ những bộ quần áo mới, mua thức ăn ngon cho con.

Không chỉ giải quyết được nhưng khó khăn trước mắt, nhiều hộ gia đình đã sắm được tủ lạnh, ti vi… Rồi còn ấp ủ dự định trang hoàng lại nhà cửa để phát triển thành Homestay- như ánh mắt lấp lánh của người phụ nữ Pa Kô Hồ Thị Sâm nói với chúng tôi về tương lai.