Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tiếp cận mới trong phát triển giáo dục dân tộc

Sỹ Hào - 21:32, 14/11/2019

Các trường chuyên biệt (dân tộc nội trú, dự bị đại học) là những mô hình giáo dục giữ vai trò quan trọng để tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi. Với sự chuyển mình rõ nét của giáo dục dân tộc, các trường chuyên biệt này cũng phải đổi mới để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Mở rộng đối tượng tuyển sinh để triển khai mô hình giáo dục hòa nhập trong các trường PTDTNT. (Ảnh minh họa)
Mở rộng đối tượng tuyển sinh để triển khai mô hình giáo dục hòa nhập trong các trường PTDTNT. (Ảnh minh họa)

Bài 2: Đổi mới mô hình trường chuyên biệt


Thiếu liên thông

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước hiện có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) ở 49 tỉnh, thành; trong đó có 59 trường PTDTNT cấp tỉnh, 257 trường cấp huyện. Với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, hiện 40% trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chất lượng nhiều trường không thua kém các mô hình trường phổ thông khác.

Đánh giá của Bộ GD&ĐT cho thấy, trung bình học sinh trường PTDTNT có tỷ lệ học lực giỏi, khá là trên 60%, học lực trung bình trên 30%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường PTDTNT hằng năm trên 97%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của các trường PTDTNT đạt 90%…

Nhưng một điểm yếu của mô hình giáo dục này là thiếu tính liên thông từ cấp THCS lên cấp THPT. Số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong 257 trường PTDTNT cấp huyện thì chỉ có 67 trường liên cấp học THCS và THPT.

Bình quân mỗi năm có trên 10 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS các trường PTDTNT; trong đó, chỉ có khoảng 30% học sinh được tiếp tục học THPT ở các trường PTNTNT cấp tỉnh, huyện và Trung ương, 60% vào các trường phổ thông công lập trên địa bàn, số còn lại học nghề hoặc tham gia lao động sản xuất.

Cách đây hơn 7 năm, Báo cáo số 56/BC-UBDT, ngày 19/5/2012 của Ủy ban Dân tộc đã chỉ ra những bất hợp lý về mô hình trường PTDNTN do thiếu liên thông. Hầu hết học sinh DTTS học nội trú nhà cách xa trường, kinh tế gia đình khó khăn. Khi lên THPT, không được tuyển vào các trường nội trú buộc các em phải ở trọ ngoài để học công lập, nên rất nhiều em bỏ học; nguồn lực hỗ trợ cho học sinh trong suốt 5 năm học THCS vì thế bị lãng phí.

Trong Báo cáo số 56/BC-UBDT, Ủy ban Dân tộc cũng đã đề nghị Bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tăng chỉ tiêu tuyển sinh bảo đảm cho con em dân tộc được đến trường. Nhưng đến nay, quy mô trung bình của các trường PTDTNT vẫn giữ nguyên (khoảng 290 học sinh/trường cấp huyện, khoảng 600 học sinh/trường cấp tỉnh).

Chuyên biệt nhưng đừng… tách biệt!

Trong khi “chờ” hướng dẫn của Trung ương, một số địa phương đã thực hiện bỏ mô hình nội trú bậc THPT ở cấp huyện. Điều này không chỉ không phù hợp chủ trương chỉ đạo trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, mà còn gây nhiều khó khăn trong phát triển giáo dục cho vùng DTTS và miền núi.

Như tỉnh Nghệ An, trước đây, bậc THPT cấp huyện là trường DTNT. Nhưng từ năm 2013, trường THPT cấp huyện không còn chức năng nội trú, nên nhiều học sinh phải thuê nhà trọ bên ngoài. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy, các em gặp khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bỏ học...

Tình trạng này chắc chắn sẽ được chấn chính trong thời gian tới, bởi trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã yêu cầu nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường PTDTNT, bán trú; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn ĐBKK.

Rõ ràng, việc duy trì mô hình PTDTNT là hết sức cần thiết, nhưng phải có những đổi mới cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, cần xem xét triển khai mô hình giáo dục hòa nhập trong trường PTDTNT, để học sinh DTTS học chung với học sinh người Kinh. Điều này sẽ giúp cho chất lượng giáo dục tốt hơn, tạo cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, tăng lên sự tự tin cho học sinh DTTS.

Không chỉ mô hình trường PTDTNT mà ngay cả với mô hình dự bị đại học cũng như loại hình trường đào tạo nghề cũng cần phải có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.