Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tiếp cận mới trong phát triển giáo dục dân tộc

Sỹ Hào - 10:02, 20/11/2019

Mỗi năm ngân sách nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS. Tuy nhiên, do vẫn tiếp cận ở góc độ “cào bằng” nên nhiều chính sách chưa phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục dân tộc

Tạo cơ hội để học sinh DTTS nâng cao trình độ là nền tảng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Tạo cơ hội để học sinh DTTS nâng cao trình độ là nền tảng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Bài 3: Thay hỗ trợ bằng trao cơ hội

Hỗ trợ gạo cho học sinh ở “vựa lúa”?

Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Nghị định 116/2016/NĐ - CP, ngày 18/7/2016 là một trong những chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS mang lại hiệu quả rõ rệt. Mục tiêu của chính sách là giúp học sinh bảo đảm những điều kiện tối thiểu (ăn ở, đi lại…) để theo đuổi con đường học tập. Nhưng cũng vì hướng tới mục tiêu này, nên chính sách có xu hướng “cào bằng” tất cả mọi đối tượng thụ hưởng, thể hiện rõ nét ở hình thức hỗ trợ.

Lấy nội dung hỗ trợ gạo làm dẫn chứng, theo “khung” chính sách thì mỗi học sinh thuộc diện thụ hưởng sẽ được hỗ trợ 15kg gạo/tháng. Đây là quy định “cứng”, áp dụng cho tất cả mọi học sinh ở tất cả các vùng miền, vì thế khi triển khai đã có những “độ vênh” nhất định.

Như tỉnh Sóc Trăng, học kỳ I năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có gần 13.100 học sinh được hỗ trợ gạo. Đến ngày 30/10/2019, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã hoàn thành xuất cấp hơn 982 tấn gạo để Sóc Trăng thực hiện chính sách.

Nhưng trên thực tế, trong gần 13.100 học sinh ở Sóc Trăng thuộc diện thụ hưởng, không phải em nào cũng cần được hỗ trợ gạo. Tại Hội thảo về phát triển giáo dục dân tộc được tổ chức giữa năm 2019 ở Đăk Nông, ông Nguyễn Viết Mười, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Sóc Trăng là “vựa lúa”, vì vậy việc cấp gạo cho học sinh DTTS ở đây là không phù hợp.

Không chỉ Sóc Trăng mà ở những địa phương “chuyên lúa” khác, việc hỗ trợ gạo cho học sinh là không “trúng” nhu cầu. Đó là chưa nói tới việc, mỗi học sinh được nhận gạo hỗ trợ 9 tháng/năm học, tương ứng là 135kg gạo/năm học, được chia làm 2 đợt nhận gạo. Điều này gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh trong việc bảo quản, không tránh khỏi việc sử dụng gạo lãng phí, không đúng mục đích…

Tháo gỡ những bất cập

Bất cập trong nội dung hỗ trợ gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ - CP là do quan điểm “cào bằng” mọi đối tượng thụ hưởng mà không phân định đặc điểm vùng miền. Nhiều ý kiến cho rằng, để chính sách phù hợp hơn, cần thay đổi hình thức hỗ trợ; trong đó nhiều ý kiến tán thành thay việc hỗ trợ gạo bằng hỗ trợ tiền cho học sinh.

Thực tế, bằng cách này hay cách khác, việc hỗ trợ học sinh để phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi phải được nhìn nhận ở tầm vĩ mô; nếu chỉ thay đổi hình thức để phù hợp với từng địa phương cụ thể thì rất khó thực hiện. Điều quan trọng nhất để phát triển giáo dục dân tộc phải thay đổi tư duy trong xây dựng chính sách, đó là thay hỗ trợ bằng tạo cơ hội cho học sinh DTTS.

Hiện nay, trong 12 chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi đều xoay quanh yếu tố “hỗ trợ”, nhằm “kéo” tất cả các cộng đồng DTTS gần nhau hơn về mặt khoảng cách. Đây là nỗ lực để “không ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng lại vô tình tạo ra bất hợp lý trong thực hiện chính sách.

Lấy chính sách cử tuyển (đại học, cao đẳng...) làm dẫn chứng, chính sách này đang tập trung phần lớn vào học sinh dân tộc rất ít người và học sinh DTTS sinh sống ở địa bàn ĐBKK. Nhưng hiện giáo dục vùng DTTS và miền núi đã có chuyển biến rõ nét, định hướng này cần phải thay đổi.

Bởi thực tế, nếu giữ nguyên quan điểm như trước thì chính sách này đang khiến nhiều học sinh không được ưu tiên cử tuyển, dù học lực khá hơn, đang mất đi cơ hội được nhận hỗ trợ từ chính sách để tiếp tục nâng cao trình độ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi.

Việc thay đổi quan điểm từ hỗ trợ sáng tạo cơ hội không chỉ ở chính sách cử tuyển, mà là định hướng cho tất cả các chính sách phát triển giáo dục dân tộc, từ đó tạo cơ hội học tập suốt đời ở khu vực này. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.