Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tìm đầu ra cho nông sản: Kinh nghiệm từ sự linh hoạt của HTX kiểu mới

Thúy Hồng - 09:28, 21/03/2022

Lâu nay, điệp khúc được mùa mất giá, giải cứu nông sản… là tình trạng diễn ra quen thuộc đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, một số nước siết chặt thông quan, khiến cho việc xuất khẩu nông sản tắc nghẽn, ùn ứ. Để giải bài toán tìm đầu ra, nhiều Hợp tác xã (HTX) đã chủ động tìm cho mình một lối đi riêng trong sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu nông sản, mở ra triển vọng chinh phục các thị trường khó tính, nâng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên, nông dân.

Nhờ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm na Chi Lăng đạt chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng
Nhờ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm na Chi Lăng đạt chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng

Đổi mới phương thức sản xuất

Từ năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) đã chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, vượt qua đại dịch, ổn định việc làm và thu nhập cho các thành viên.

HTX hiện có 17 thành viên, với hơn 50ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cây mận hậu. HTX tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa tạo niềm tin với khách hàng. Như năm 2021, HTX đã sản xuất, bán ra thị trường sản phẩm “Mận ruby”. Đây là giống mận có quả to đều, đẹp, được nhiều khách hàng ưa chuộng, với giá bán bình quân 50 - 100 nghìn đồng/kg tùy vào từng thời điểm, cao hơn nhiều lần so với mận thông thường.

Trong thời điểm mận hậu chín rộ, HTX đã chủ động thu hoạch, bảo quản trong kho lạnh để giữ giá trị sản phẩm. Năm 2021, sản lượng mận hậu của HTX đều được tiêu thụ hết, thu về 8 tỷ đồng. Trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận HTX thu về 5,5 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên thu được hơn 320 triệu đồng.

Hay đối với HTX Nông sản Chi Lăng, nhờ thay đổi phương thức sản xuất, các sản phẩm của HTX đã có được đầu ra ổn định trên thị trường. HTX Nông sản Chi Lăng đi vào hoạt động từ năm 2018, với 7 thành viên, cây trồng chủ lực là na.

Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, bà con trên địa bàn sản xuất nông sản thường theo hình thức tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, từ 2020, do tình hình dịch bệnh diễn biễn phức tạp, quá trình tiêu thụ na gặp khó khăn, việc Trung Quốc dừng thu mua cũng khiến sản lượng tiêu thụ và sức mua bị sụt giảm.

Để tháo gỡ khó khăn, HTX đã chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, sàn giao dịch điện tử, đưa sản phẩm đi tiêu thụ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng với phát triển thị trường, HTX Nông sản Chi Lăng còn chú trọng đẩy mạnh sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm "Na Chi Lăng" trên các tem, nhãn ở bao bì sản phẩm. Vụ na năm 2021, HTX Nông sản Chi Lăng thu mua và xuất ra thị trường khoảng 120 tấn. Sau hơn 3 năm hoạt động, từ số vốn ban đầu 150 triệu đồng, đến nay, HTX Nông sản Chi Lăng đã nâng con số này lên 10 tỷ đồng.

Theo bà Lý, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP giúp cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm, tạo uy tín cho sản phẩm của HTX, hình thành nên chuỗi liên kết bền vững cho hộ nông dân trong HTX.

Còn giữa lúc Trung Quốc siết chặt thông quan trong những tháng đầu năm 2022, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (Đồng Tháp) đã kết hợp cùng một doanh nghiệp trong tỉnh xuất sản phẩm xoài sang thị trường châu Âu. Mức giá xuất khẩu xoài là 11 - 13 EUR/kg.

Theo ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Tịnh Thới, để xuất khẩu được sang châu Âu, HTX đã phải thay đổi mô hình sản xuất từ đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. HTX cũng xúc tiến, tìm kiếm thị trường để giải quyết đầu ra cho quả xoài.

Cây mận hậu mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông Yên Châu, Sơn La
Cây mận hậu mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông Yên Châu, Sơn La

Linh hoạt trong tìm kiếm thị trường

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ nông sản thời gian tới vẫn không mấy khả quan, vì dịch còn phức tạp và ảnh hưởng từ xung đột ở khu vực châu Âu. Do đó, ngoài tận dụng thị trường nội địa, thì làm sao để có các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường khác là việc không hề đơn giản, nhất là các HTX đang gặp khó khăn về giá thành vật tư đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao.

Theo các chuyên gia, mỗi nước, mỗi thị trường sẽ có những nhu cầu về nông sản, thực phẩm khác nhau, đi liền với đó là những điểm mạnh, điểm yếu để các HTX tìm hiểu và lựa chọn. Chẳng hạn như thị trường Mỹ, châu Âu yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng, nên các loại giấy chứng nhận là điều kiện cần và đủ đối với HTX, nếu muốn xuất khẩu…

"Đối thủ" ở hầu hết các thị trường của các HTX hiện nay, chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc và Thái Lan. Như doanh nghiệp Trung Quốc thường cho doanh nghiệp đối tác nợ tiền từ 1, 3 đến 6 tháng. Còn doanh nghiệp Thái Lan thì rất giỏi marketing, sản phẩm rất đẹp về cảm quan, lại có đường bay thẳng đến nhiều nước...

Chính vì vậy, các HTX muốn xuất khẩu được thuận lợi, trước tiên phải bảo đảm về chất lượng sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam cho biết, nếu các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chú trọng yếu tố tự nhiên và có giấy chứng nhận đầy đủ, thì đây chính là điểm mạnh để thuyết phục các thị trường từ khó tính đến dễ tính.

Hiện nay, có một lợi thế là Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là cơ hội cho các HTX đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, phát triển hàng hóa phải tổ chức kết hợp với doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông, xuất khẩu thành một chuỗi sản xuất kinh doanh mới phát huy hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.