Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tìm giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản Tây Nguyên

Phan Trọng - 17:05, 25/09/2021

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều đặc sản nông nghiệp Tây Nguyên gặp khó khăn về đầu ra. Vì vậy, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang nỗ lực và mong muốn kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đại biểu UBND tỉnh Gia Lai tham dự Diễn đàn trực tuyến
Đại biểu UBND tỉnh Gia Lai tham dự Diễn đàn trực tuyến

Ngày 25/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 - Diễn đàn kết nối nông sản 970. Tham dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và 300 đại biểu từ các tỉnh thành trong cả nước.

Tỉnh Đắk Lắk đang vào chính vụ thu hoạch sầu riêng và bơ với sản lượng khá lớn, nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc vận chuyển, lưu thông nông sản gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ chậm. Trong khi đó, các loại trái cây đặc sản này có thời gian bảo quản ngắn, tỉnh chưa có nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản trái cây quy mô lớn. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng đề nghị Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) kết nối tiêu thụ 20.000 - 23.000 tấn sầu riêng và khoảng 10.000 tấn bơ.

Còn tại tỉnh Đắk Nông trong tháng 9 và tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh còn một số sản phẩm rau, quả tươi đến kỳ thu hoạch, rất cần Diễn đàn kết nối tiêu. Cụ thể: Sẽ có khoảng 7.000 - 9.000 tấn bơ, 12.000 - 15.000 tấn sầu riêng quả tươi cần kết nối thiêu thụ.

Tương tự, Lâm Đồng được biết đến là vùng trồng hoa, rau củ nổi tiếng cả nước cũng đang gặp khó trong việc tiêu thụ. Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 9 - 12/2021, tỉnh có khoảng 1 triệu cành hoa, 1.100.000 tấn rau củ, quả muốn kết nối tiêu thụ thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như kết nối xuất khẩu. Trong đó, bơ khoảng 12.000 tấn, sầu riêng 20.000 tấn.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP cũng mong muốn tìm đầu ra cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao. Các địa phương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước; kết nối một số nhà đầu tư hỗ trợ chế biến và tiêu thụ một số nông sản chủ lực; các Bộ ngành có chương trình, đề án, chính sách phát triển liên kết vùng, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, chợ Online… Ngoài ra, 64 nhà mua, doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ đầu cầu TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã chia sẻ nhu cầu kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Trước các kiến nghị của các địa phương, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Trong thời gian tới, Diễn đàn sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước. Để sàn giao dịch hoạt động có hiệu quả và kết nối tốt người mua và người bán, đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sát sao để cập nhật các thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ vùng trồng cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Qua đó đem lại lợi ích giữa người sản xuất cũng như doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.

Sầu riêng tại Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch
Sầu riêng tại Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch

Với chủ đề kết nối tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Nguyên để các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, người nông dân có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi tháo gỡ các rào cản vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức quản lý, sản xuất, phân phối tiêu thụ nông sản trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Diễn đàn còn nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước; tránh bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; đồng thời tuyên truyền quảng bá giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của các tỉnh Tây Nguyên, đóng góp vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại Diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai với chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về việc bao tiêu sản phẩm./.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.